Chứng khoán Mirae Asset gọi tên 6 ngân hàng đáng chú ý trong năm 2022
Theo công ty Chứng khoán Mirae Asset, dù thanh khoản dồi dào, các ngân hàng vẫn phải chú ý đến chất lượng tài sản trong năm 2022. Đồng thời, công ty này cũng đề cập 6 ngân hàng đáng chú ý trong năm nay.
Trong báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng mới công bố, công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2022. Cụ thể, mức tăng trưởng có thể đạt 13% vì vai trò quan trọng của ngành ngân hàng trong việc hồi phục kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2022 được kỳ vọng sẽ cao tương đương với quý 1/2019 (thời điểm trước dịch bệnh).
Về hoạt động kinh doanh, nhóm nghiên cứu cho biết, mảng ngân hàng bán lẻ cũng sẽ mất quán tính tăng trưởng của mình vì đang tiệm cận mức trung bình khu vực. Theo đó, tỷ trọng mảng ngân hàng bán lẻ đã tăng từ 20% vào năm 2011 lên 40% vào năm 2019. Tỷ lệ này tương đương với nhiều nền kinh tế hàng đầu ở khu vực ASEAN. Các mảng cho vay mua xe, vay tiền mặt và thẻ tín dụng sẽ có thể vẫn chịu áp lực do dư âm của đại dịch. Cho vay mua nhà sẽ là nhân tố chính quyết định sự phát triển mảng ngân hàng bán lẻ trong năm nay.
Theo MAS, các ngân hàng cũng đang gia tăng nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp. Riêng Techcombank, VPBank và MB có phần nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp hơn các ngân hàng khác. Trong 2021, các nhà băng đã tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Điều này đã tạo ra dư địa cho các ngân hàng có thể gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thanh khoản dồi dào được kỳ vọng vẫn được duy trì trong năm nay. Đồng thời, các ngân hàng sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn huy động vốn.
Nhóm phân tích cho rằng, dù thanh khoản dồi dào, các ngân hàng sẽ vẫn phải chú ý đến chất lượng tài sản. Vì nợ xấu có thể sẽ khiến các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng để chống chịu với các biến động lợi nhuận trong năm 2022. Theo dự phóng của MAS, 50% số nợ tái cấu trúc có thể trở thành các khoản nợ xấu.
Báo cáo của MAS cũng đề cập 6 mã cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý đó là TCB, VIB, VPB, VCB, BID, CTG. Các ngân hàng này đều có một điểm chung là đã rất tích cực trong hoạt động tái cơ cấu nợ.
Theo đó, Techcombank được dự báo sẽ có lợi nhuận ròng 27.483 tỷ, tăng 18%. Thu ròng từ lãi đạt 31.870 tăng hơn 19%.
Tại VIB, MAS kỳ vọng ngân hàng sẽ có ROE cao nhất ngành với mức 29,4%; lợi nhuận trước thuế hơn 10.530 tỷ, tăng hơn 31% so với năm trước; tổng tài sản hơn 370.233 tỷ, tăng hơn 19%.
Với VPBank, MAS nhận định lợi nhuận ngân hàng có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm nay nhờ vào việc nợ xấu và chi phí vốn đi xuống. Mức lợi nhuận trước thuế có thể lên đến 25.472 tỷ, tăng hơn 74% so với năm trước; tổng tài sản có thể đạt 618.586 tỷ, tăng hơn 12%
Trong khi, lợi nhuận trước thuế Vietcombank ước đạt 32.005 tỷ, tăng hơn 16%; tổng tài sản đến cuối năm là 1.588.184 tỷ, tăng hơn 12%.
MAS dự báo lợi nhuận trước thuế BIDV ở mức 27.424 tỷ, tăng trưởng hơn 101% so với năm 2021; tổng tài sản có thể đạt hơn 2 triệu tỷ, tăng 14%.
Lợi nhuận Vietinbank ước đạt 22.259 tỷ, tăng hơn 26% so với năm trước; thu nhập ròng từ lãi có thể đạt 47.141 tỷ, tăng hơn 26%.