Chủ vựa hoa Tết 'mếu mặt' vì dịch Covid-19
Không còn cảnh đông đúc như mọi năm, nhiều vựa hoa Tết tại chợ hoa Tết tại Quảng trường 10/3, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rơi vào tình trạng vắng vẻ, thưa thớt.
Chủ vựa hoa Tết "mếu mặt" vì dịch Covid-19 |
Các chủ vựa hoa ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đang phải nhìn cảnh người đi ngắm hoa nhiều hơn người mua hoa, lượng mua tuột giảm khiến chủ vựa “mếu mặt”.
Nhiều ngày qua, tại Quảng trường 10/3, ông N.V.T (người Phú Yên) là chủ vựa hoa cúc sững người vì lượng tiêu thụ hoa Tết năm nay không như mọi năm.
Ông Tuấn than thở: “Năm nào gia đình tôi cũng mang hoa từ Phú Yên lên Đắk Lắk để bán. Mọi năm, rất nhiều người dạo mua còn giờ thì chỉ toàn người đi ngắm. Thậm chí, người ngắm hoa còn hạn chế vì dịch COVID-19”.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Gia đình mang hơn 300 chậu hoa cúc, giá bán từ 300-500 nghìn đồng. So với giá năm nay, nhà vườn chịu lỗ rất nhiều vì đội giá chi phí, thuê mặt bằng giá cao…”
Không còn cảnh đông đúc, náo nhiệt như mọi năm, chợ hoa Tết năm nay rơi vào tình trạng vắng vẻ, thưa thớt do dịch Covid-19 |
Anh Bùi Hoàng Sơn chia sẻ: “So với thời điểm này các năm thì quả thật năm nay chợ hoa khá là buồn, dù đã cân nhắc vì tình hình dịch bệnh, chủ động cắt giảm gần 500 chậu hoa so với mọi năm, nhưng không nghĩ chợ hoa năm nay lại vắng người đến vậy. Các năm trước, ở đây sôi nổi, tấp nập, không chỉ có tiểu thương trong tỉnh, còn có các chủ vườn hoa từ nơi khác đến bày bán, nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid nên chưa thấy có chủ vườn hoa từ bên ngoài tỉnh đến bán”.
Được biết, nguồn thu nhập chính của gia đình anh là nhờ vào việc bán hoa mỗi dịp Tết, nhưng năm nay dù giá hoa đã giảm vẫn bán không được. Tất cả các chi phí từ khâu chăm sóc, phân bón, vận chuyển,… coi như mất trắng nếu tình hình này tiếp diễn. Tuy vậy, anh vẫn hy vọng những ngày sắp tới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng người mua hoa sẽ tăng lên.
Anh Nguyễn Minh Thắng, một tiểu thương bán hoa mai cho biết, đây là lần đầu tiên từ khi anh bán mai đến nay, lượng khách ghé chợ lại ít đến vậy. Giá bán cũng giảm hơn nhiều so với các năm nhưng vẫn ít người hỏi mua. Như những tiểu thương khác, anh Thắng cũng đã chủ động tính toán nhập số lượng hoa ít lại nhưng với tình hình này, anh cho rằng việc tiêu thụ hết hoa trước Tết dự cảm sẽ rất khó khăn.
Nét buồn hiện rõ trên khuôn măttj những tiểu thương |
Tiểu thương bỏ của chạy lấy người!
Chị Nguyễn Thị Hằng (chủ vườn hoa đào, trú thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, thời điểm gần đây dịch COVID-19 liên tục xảy ra đối với các tỉnh thành. Chính điều này khiến người trồng hoa như tôi phải chịu cảnh “Tiếu thương bỏ của chạy lấy người”.
Theo chị Hằng lý giải, chủ vừa các tỉnh trước Tết đã đặt cọc để lấy hoa đào về tỉnh mình để bán. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, dẫn đến thương lái không đến được Đắk Lắk để mua hoa khiến nhiều chủ vườn lao đao, bị thương lái đòi lại tiền cọc.
Người trồng hoa phải chịu cảnh “Tiếu thương bỏ của chạy lấy người” |
“Họ đặt cọc hàng trăm cây đào, nhưng giờ tỉnh Gia Lai đang bùng phát dịch COVID-19 khiến họ không thể nào lấy hoa để về bán Tết được. Chúng tôi là nhà vườn nên cũng phải chia sẻ với họ về vấn đề này. Hoa đào Nhật Tân năm giá giảm hơn so với năm trước, lượng người mua vẫn ít hơn. Năm trước, có rất nhiều người thời điểm này đến mua hoa, mang về các tỉnh khác…còn năm nay, người đi đến chụp ảnh cũng ít, người đi mua hoa thì khỏi phải nói”, chị Hằng kể.
Chợ hoa vắng bóng khách mua dù Tết đã cận kề |
Tương tự như chị Hằng, anh Hùng (một chủ vườn hoa đào ở thị xã Buôn Hồ) cho hay: “Nhà tôi năm nay trồng hơn 2.000 cây hoa đào. Tính đến thời điểm hiện tại, hoa đã bung nở nhiều, cộng thêm đó là thời tiết không thuận lợi khiến việc chăm sóc hoa rất khó khăn. Đến thời điểm tiêu thụ thì dịch COVID hoành hành làm nhà nông chúng tôi phải lao đao. Tiền vay ngân hàng, tiền đầu tư hơn 300 triệu đồng, giờ chỉ mong sao bán được để thu lại vốn…còn lời thì không mong đợi nữa rồi”.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm