Chính phủ đồng ý lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, giao các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai an toàn, hiệu quả.
Từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách du lịch quốc tế
Ngày 02/11/2021, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 8044/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến các Bộ về việc hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ninh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động, triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất định hướng, lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022) sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ.
Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày, trước mắt kết nối Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Giai đoạn 3 (từ quý II/2022) mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Có nên cách ly tập trung khách du lịch quốc tế?
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, cho rằng mọi lộ trình khôi phục lại sản xuất kinh doanh, cũng như khôi phục lại hoạt động kinh doanh vận tải đều phải phụ thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Nhà nước.
“Tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10 đã ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với quy định này thì chúng ta phải vận dụng một cách linh hoạt, xác định sống chung với dịch chứ không thể loại bỏ hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng được. Chính vì vậy, với chủ trương được đề ra và lộ trình được thực hiện theo từng bước chứ không phải thực hiện ngay lập tức nên kế hoạch này về cơ bản là hợp lý”, PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, muốn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thì đầu tiên cần phải kiểm soát dịch bệnh trong nước thật tốt, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì "công cốc".
“Khi đã mở cửa theo lộ trình thì cần phải có các chính sách thông thoáng, đừng quá máy móc (ví dụ, khách đến Việt Nam yêu cầu họ phải cách ly 15 ngày thì sẽ vô nghĩa). Đây là một bài toán hết sức là phức tạp, đòi hỏi nhiều lời giải khác nhau, chứ không chỉ là đơn thuần mở và đón khách. Nhìn chung kế hoạch mở cửa hàng không với 4 giai đoạn như vậy là hợp lý, tuy nhiên trong từng giai đoạn cần phải cụ thể hoá hơn nữa”, ông nói.
Ở giai đoạn 1, tần suất khai thác tới địa phương thí điểm đón du khách quốc tế từ tháng đầu tiên trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến) và cách ly tập trung có thu phí, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng nếu làm như vậy thì khách quốc tế sẽ không còn mặn mà nữa.
“Người ta đến du lịch chỉ trong thời gian ít ngày, việc phải cách ly tập trung như vậy sẽ khiến nhiều chi phí tăng lên, như vậy rõ ràng rằng quy định này quá cứng nhắc, cần phải xem xét lại”, chuyên gia cho hay.
Trong giai đoạn 1, khách quốc tế tới Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung và bỏ chi phí.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Việc mở cửa mang tính chất thí điểm lần này là thực sự cần thiết, nó sẽ giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn để tiến tới việc mở cửa với khách du lịch trên thế giới”.
Theo vị chuyên gia này, việc cách ly là cần thiết, phù hợp với thực tế và cần phải làm. “Nếu chấp nhận thì mời du khách đến và tuân thủ theo các quy định của Việt Nam, còn nếu thấy không thể chấp hành thì có thể lựa chọn”, ông Thịnh nói.
“Nấc thang thực hiện việc thí điểm đón khách quốc tế theo từng giai đoạn (3 tháng đánh giá một lần để triển khai giai đoạn tiếp theo) là phù hợp để chúng ta mở cửa dần dần cho các chủ thể của các đối tượng cũng như các vùng miền trong việc tiến tới mở cửa hoàn toàn với thế giới”, chuyên gia này chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng có một vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc có khá nhiều địa phương “xin” được đón khách quốc tế một cách ồ ạt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại là rất lớn, đặc biệt là ở những địa phương, tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Ông Thịnh dự báo ngành hàng không sẽ quay trở lại hoạt động bình thường trong nửa cuối năm 2022.