Chi cho bảo vệ môi trường năm sau cao hơn năm trước
Bộ Tài chính cho biết, trong điều kiện ngân sách nhiều khó khăn và phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường luôn được ưu tiên hơn so với các lĩnh vực khác, năm sau cao hơn năm trước.
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được ý kiến cử tri kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp lý theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo Bộ Tài chính, về nội dung "tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả" không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính trả lời về một số nội dung liên quan đến quản lý của Bộ Tài chính đối với nguồn lực tài chính đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, về nguồn lực chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn và phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của đất nước; cân đối chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong những năm qua luôn được bố trí ưu tiên hơn so với các lĩnh vực chi khác và đã đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối.
Đồng thời, đảm bảo bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường, theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhằm thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường.
Đối với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá) để làm giảm áp lực chi NSNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Với chức trách nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương để đánh giá các tồn tại vướng mắc trong cơ chế chính sách về đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, trên cơ sở đó đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Mai Anh