Chậm làm thủ tục hải quan do giãn cách, doanh nghiệp có bị phạt?
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 và giãn cách xã hội khiến nhiều lô hàng không được làm thủ tục hải quan trong thời hạn, nhiều doanh nghiệp thắc mắc có bị phạt không?
Trước vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm là ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lô hàng về nước không kịp làm thủ tục hải quan trong thời hạn 30 ngày theo quy định. Nguyên nhân là doanh nghiệp bị phong tỏa. Đại diện Tổng cục Hải quan cũng đã có trả lời về vấn đề này.
Theo Đại diện Tổng cục Hải quan, trong trường hợp này cơ quan hải quan sẽ không phạt vi phạm hành chính.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám cũng phân tích cụ thể, tại Nghị định 128 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã quy định cụ thể các trường hợp bất khả kháng doanh nghiệp không thể thực hiện theo đúng quy định thì đưa vào các trường hợp miễn xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định số 128/2020/NĐ CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính; Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích về “Sự kiện bất khả kháng” thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Tổng cục Hải quan cũng đã có các công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn quy định.
Cụ thể, ngày 3/6/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 3569/TCHQ-PC hướng dẫn không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Do đó, việc xem xét không xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên và hồ sơ vụ việc cụ thể, theo đó cá nhân, tổ chức phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không ngăn được hành vi vi phạm xảy ra.
Nghị định số 128/2020/NĐ CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ
Điều 6. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
- Các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục.
- Các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014không bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Các trường hợp người khai hải quan thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế.
- Trường hợp hàng hoá gửi vào Việt Nam không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại Điều 39 Luật Thương mại năm 2005(trừ hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng giả, phế liệu không thuộc Danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng đã được người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng thông báo bằng văn bản (nêu rõ lý do) kèm theo các chứng từ liên quan tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.
Điểm 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính”
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Nguyên Đỗ