Cẩn trọng khi ứng dụng ChatGPT giả ngập tràn
Siêu ChatGPT do Open AI phát triển đang tạo nên cơn sốt tại Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển muốn lợi dụng sự phổ biến của nó để thu lợi bất chính.
OpenAI được công chúng biết đến là công ty phát triển siêu AI ChatGPT và những AI đột phá khác. Trong đó, ChatGPT được nhiều người biết đến nhất khi được OpenAI giới thiệu đến công chúng vào ngày 30/11/2022. ChatGPT được giới công nghệ gọi là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng.
Tại Việt Nam, AI này cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý. Đến giữa tháng 1, người dùng ChatGPT tăng vọt. Theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Website của ChatGPT thường xuyên ở trạng thái "đang hoạt động hết công suất". Siêu AI này cũng trở thành chủ đề phổ biến trên mạng xã hội Facebook. Trên hàng loạt cộng đồng thuộc mọi lĩnh vực, ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện dày đặc.
Người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.
Tuy nhiên, ChatGPT cũng có những nhược điểm của nó. Đây chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra. Trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm.
Vì vậy người dùng nên sử dụng ChatGPT với mục đích phù hợp và có trách nhiệm. Họ chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo, với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi nó là một nguồn tin tuyệt đối, hoặc dùng để đưa ra các quyết định, hành động có tác động đến người khác.
Chính vì độ hot của nó, ChatGPT đã trở thành “con mồi” béo bở cho những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển muốn lợi dụng sự phổ biến của nó để thu lợi bất chính. Vẫn có nhiều ứng dụng với cái tên “na ná” ChatGPT xuất hiện ngập tràn trên các cửa hàng trực tuyến như App Store hay Google Play.
Trong số đó, có nhiều ứng dụng trả phí và thậm chí còn yêu cầu trả tiền theo tháng để được sử dụng bot và tắt quảng cáo.
Ví dụ, một ứng dụng có tên "ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3" đã giới thiệu rằng, đây là ứng dụng chính thức dành cho bot ChatGPT. Nhưng các thông tin được thể hiện cho thấy ứng dụng này dường như không có liên kết nào với Open AI. Hơn nữa, nó tính phí 7,99 USD một tuần cho dịch vụ chatbot, trong khi OpenAI đang cho phép mọi người dùng thử miễn phí.
Hà Vi