Cách bảo quản các món ăn ngày Tết để giữ chất dinh dưỡng
Dưới đây là phương pháp bảo quản thực phẩm cực lâu mà không làm mất đi sự tươi ngon, không mất chất dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm.
Các món canh
Các món canh dường như không thể thiếu trong mâu cơm ngày Tết. Vì nấu canh tốn nhiều thời gian và công sức nên người ta thường chọn cách nấu trong một chiếc nồi to và ăn trong vài ngày sau khi nấu. Tuy nhiên có phải loại canh nào khi nấu để qua đêm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?
Trên thực tế, nếu nước canh còn lại được đựng trong nồi nhôm hoặc sắt, một loạt các phản ứng hóa học sẽ xảy ra, phản ứng hóa chất có hại cho cơ thể con người. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng cách tốt nhất để bảo quản súp, canh còn thừa là cất riêng phần súp đã đun sôi không nêm gia vị, dụng cụ bảo quản tốt nhất nên cất trong tủ lạnh là bằng thủy tinh, gốm sứ, hộp giữ tươi.
Các loại thực phẩm khô
Với các loại thực phẩm khô như măng, nấm, mộc nhĩ, các loại hạt, đỗ… bạn nên chia riêng từng loại, cho vào túi nilon rồi dùng máy hàn miệng túi dán kín mép túi lại hoặc bảo quản trong hộp đựng thức ăn, để nơi khô ráo, thoáng mát. Khi sử dụng, tránh để những loại thực phẩm này dính nước vì nơi ẩm ướt sẽ làm chúng bị mốc hoặc lên men.
Cách bảo quản các món ăn ngày Tết để giữ chất dinh dưỡng |
Các loại rau xanh
Các loại rau lá xanh không nên để quá lâu khi đã được nấu lên, do đó nên nấu càng ít càng tốt. Điều này là do một số loại rau lá xanh có chứa nhiều nitrat không thể loại bỏ sau khi nấu chín, ngoài ra sau khi để quá lâu, do sự phân hủy của vi khuẩn, nitrat bị khử thành nitrit sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo nhiều thí nghiệm khoa học, rau lá xanh sau khi nấu chín có thể ăn bình thường, không còn chuyển màu, để nguội rồi cho vào tủ lạnh, nhiệt độ tủ lạnh kiểm soát 2-4 độ C trong 24 giờ vẫn có thể ăn được bình thường. Tuy nhiên, bảo quản không đúng cách dễ dẫn đến hư hỏng, không nên ăn quá lâu.
Bánh chưng
Bánh chưng sau khi luộc xong, bạn cần vớt bánh ra và rửa sạch bằng nước lạnh cho hết nhựa, sau đó để ráo nước. Tiếp theo, chúng ta xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để nước trong bánh thoát ra.
Sau đó, chỉ cần để bánh nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp là có thể giữ và dùng trong thời gian lâu hơn.
Thịt đông
Thịt nấu đông ăn với cơm nóng, chấm nước mắm nguyên chất với chanh ớt, ăn với dưa hành, dưa cải, củ kiệu… là món ăn được sử dụng trong ngày Tết và những ngày thông thường trong năm.
Với món này, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.
Thực phẩm tươi sống
Thực phẩm sống như thịt, cá, hải sản... thường hay có nước nên rất dễ bị hỏng, ôi thiu. Vì vậy, trước khi cho vào ngăn đá bạn nên rửa sạch, sau đó dùng máy hút chân không hút sạch không khí trong túi. Cách bảo quản này sẽ giúp thực phẩm sống không bị mất màu, không mất chất dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo hương vị.
Khi cần sử dụng, bạn có thể bỏ ra ngoài và rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng như vậy sẽ đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh hơn.
Đối với rau củ bạn không nên rửa dưới nước mà hãy cắt bỏ rễ, lá hỏng và cho vào túi thấm nước dành cho rau củ hoặc xếp riêng vào ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Như vậy, các loại thực phẩm này vẫn hoàn toàn tươi ngon trong thời gian dài.
Theo SHTT