cả nước ghi nhận hơn 122 người mắc, 4 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm
Hôm nay 29/7, Tổng Cục thống kê vừa có báo về tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2020.
Trong tháng 7 (tính từ 19/6 - 18/7/2020), cả nước có 5.848 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 3.550 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 55 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 169 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 15 trường hợp dương tính.
Tháng 7 trong nước đã xuất hiện lại ca nhiễm Covid - 19 trong cộng đồng
Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 37,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 9.243 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 295 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (7 trường hợp tử vong); 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 2.587 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 223 trường hợp dương tính.
Bệnh bạch hầu tiếp tục bùng phát và lan rộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến ngày 16/7/2020, cả nước có 100 trường hợp dương tính với bạch hầu (3 trường hợp tử vong), trong đó: Đắk Nông 30 trường hợp (2 trường hợp tử vong); Kon Tum 29 trường hợp; Gia Lai 24 trường hợp (1 trường hợp tử vong); Đắk Lắk 17 trường hợp.
Dịch Covid - 19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạ. Tại Việt Nam, trong tháng 7 đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, tính đến 9h00 ngày 27/7/2020 có 420 trường hợp mắc (365 trường hợp đã được chữa khỏi).
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/7/2020 là 210.547 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.027 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.948 người.
Tình hình ngộ độc trong tháng 7 năm 2020
Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng 7 xảy ra 10 vụ với 122 người bị ngộ độc (4 người tử vong). Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 50 vụ với 1.209 người bị ngộ độc (19 người tử vong).
Thời gian qua, Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) như Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định về lĩnh vực quản lý; góp phần đẩy lùi hiện tượng kinh doanh trái pháp luật, gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chân chính và sức khỏe của người tiêu dùng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP yêu cầu cần tăng cường các giải pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có tính răn đe, quyết liệt hơn nữa. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo nêu rõ, công tác thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm chưa phù hợp với thực tế của lĩnh vực quản lý ATTP, cần chú trọng công tác thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người tiêu dùng và các nguồn tin khác. Bên cạnh việc thanh tra, xử lý các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức vi phạm, cần có chế tài mạnh hơn, đặc biệt là trong việc thực hiện các biện pháp bổ sung như quyết định ngừng sản xuất, ngừng kinh doanh... đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATTP; từng bước hoàn thiện quy trình quản lý ATTP theo mức độ rủi ro như các mô hình tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, tăng cường vận động, giáo dục, tuyên truyền để người dân tự giác trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; khuyến khích người dân tiêu dùng các sản phẩm bảo đảm sức khoẻ; kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm quy định về ATTP vì sức khỏe của chính bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm