'Bội thu' từ thị trường nước ngoài, FPT lãi hơn 1.100 tỷ sau 2 tháng đầu năm
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) tăng mạnh lên mức 3,116 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 52%.
Ngày 21/3, FPT cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong 2 tháng đầu năm đạt 6.102 tỷ đồng và 1.102 tỷ đồng, tăng 27% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 105% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 756 tỷ đồng và 833 đồng, tăng 35,7% và 34,9%, đạt 106% kế hoạch.
Mảng xuất khẩu phần mềm của FPT tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt mức doanh thu 2.663 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 32,6%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 57%) và APAC (tăng 75%).
Đáng chú ý, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT cũng tăng mạnh lên mức 3.116 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 52%.
Với khối lượng đơn hàng ký mới tăng trưởng tốt vào cuối năm 2021 và hoạt động kinh doanh của thị trường nước ngoài được đẩy mạnh đáng kể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ của FPT lần lượt đạt 3.364 tỷ đồng và 490 tỷ đồng đồng, tăng trưởng lần lượt 30,5% và 56%.
Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số của FPT cũng đạt 81.4%, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ đám mây (Cloud) tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ (tương đương 310%), chiếm 61% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổ số toàn diện với 3 tỉnh thành, gồm: Bến Tre, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Thỏa thuận hướng đến một số mục tiêu chính như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh và góp phần đưa các tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ở cả 3 lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong năm 2022, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng, tăng 19% so với mức thực hiện năm 2021. Trong đó, khối công nghệ dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất, gần 59% và mục tiêu đạt 24.900 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2022 đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với mức thực hiện năm 2021.
Trong các khối kinh doanh của FPT thì giáo dục và đầu tư được kỳ vọng có mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, doanh thu kỳ vọng tăng 32,5%, lợi nhuận trước thuế tăng 28,4%, lần lượt đạt 2.960 tỷ đồng và 1.446 tỷ đồng.
FPT dự kiến chi phí đầu tư trong năm 2022 là 4.000 tỷ đồng. Trong đó khối viễn thông có giá trị đầu tư lớn nhất 2.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bổ sung một tuyến trục để đảm bảo hệ thống tuyến trục nội địa, tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
Về công nghệ, FPT dự kiến đầu tư 1.200 tỷ đồng vào khối kinh doanh này, tiếp tục mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM…
Công ty này cho biết thêm sẽ dành ít nhất 5% lợi nhuận trước thuế năm 2021 để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong năm 2021, công ty này đã đầu tư 300 tỷ đồng vào công nghệ AI, đồng thời đề xuất với Viện Nghiên cứu AI-Mila mở rộng một trung tâm nghiên cứu phát triển của Mila tại Việt Nam trong thời gian tới.
FPT cũng cho biết trong vòng 3 năm tới sẽ đầu tư 2.300 tỷ đồng cho nghiên cứu công nghệ Cloud, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng thiết bị Cloud (Data Center) đạt tiêu chuẩn Tier III Constructed facility.
Công ty dự kiến đầu tư 800 tỷ đồng vào khối giáo dục và hoạt động kinh doanh khác, trong đó sẽ đầu tư mở rộng các khuôn viên giáo dục tại Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định; đưa vào hoạt động 2 điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam…
Dự kiến Đại hội đồng cổ đồng thường niên FPT sẽ được tổ chức ngày 7/4. Tại đây, FPT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022.