0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 17/08/2021 13:30 (GMT+7)

Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký ban hành "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị", đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan chỉ đạo thực hiện.

Xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị phải chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 (F0), nghi ngờ mắc Covid-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) tại cơ quan, đơn vị - đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của cơ quan/ đơn vị.

Các cơ quan thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch. Đồng thời thành lập các Tổ an toàn Covid của đơn vị gồm thành viên là đoàn viên công đoàn, Đoàn Thanh niên; mỗi Tổ an toàn Covid có từ 3-5 người, tổ trưởng là thủ trưởng công đoàn hoặc đoàn thanh niên.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải xác định nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị - Ảnh 1
Các cơ quan, đơn vị phải chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị phải bao gồm sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển trong đơn vị khi xuất hiện các trường hợp F0, F1, F2 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, quản lý người lao động về các thông tin sau: Họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi trọ, số điện thoại; yêu cầu người lao động thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.

Trường hợp người lao động của đơn vị làm việc và lưu trú ở những địa phương khác nhau, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh của các địa phương liên quan để quản lý và theo dõi y tế đối với người lao động.

Tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người lao động đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở..., phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo quy định.

Tạo mã QR điểm kiểm dịch theo quy định

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Cùng với đó, cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ...), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trường hợp người ra vào không thể thực hiện việc quét mã QR thì đơn vị bố trí nhân viên kiểm soát có điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone/NCOVI) để thực hiện quét mã QR trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân hoặc được tạo ra bởi hệ thống phần mềm của người ra vào.

Tại khu vực cửa vào của đơn vị tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, khách đến làm việc phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách giữa các khách theo quy định; kiểm soát và quản lý Thẻ khách vào đơn vị; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đơn vị đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Trường hợp có nhiều đơn vị khác nhau trong cùng tòa nhà làm việc, người đứng đầu đơn vị hoặc Trưởng ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết; bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, ki-ốt, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra, vào các tòa nhà.

Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị - Ảnh 2
Các đơn vị tạo mã QR điểm kiểm dịch để quản lý người ra vào và khai báo y tế theo quy định. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cần bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị. Phòng cách ly phải đảm bảo các yêu cầu bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc (nếu có thể).

Đối với đơn vị có bộ phận tiếp đón, làm việc với khách (lễ tân, bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính, ngân hàng, kho bạc...) phải thực hiện 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giãn cách, lắp đặt vách ngăn (nếu có thể).

Khuyến khích giảm số người làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

Bố trí phương tiện đưa đón người lao động tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 (nếu có thể); tăng cường thông khí tại nơi làm việc, nhà ăn, phòng họp; giảm tiếp xúc bằng bố trí vách ngăn tại nhà ăn và cung cấp suất ăn riêng.

Đặc biệt, Bộ y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người lao động và yêu cầu người lao động ký cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới