0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 07/09/2022 13:25 (GMT+7)

Bộ Tài chính nói gì về điều kiện để cổ phiếu 'họ' FLC giao dịch trở lại?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, chỉ khi nào các sai phạm được khắc phục thì cổ phiếu FLC và ROS.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, hiện cổ phiếu ROS đã bị đình chỉ giao dịch, còn cổ phiếu FLC đang bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9. Khi nào những vi phạm khiến các cổ phiếu này bị ngừng và hủy giao dịch khắc phục được và doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được giao dịch trở lại.

Cụ thể, đối với cổ phiếu của FLC, cần phải có Báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, rồi phải tổ chức đại hội cổ đông… Khi có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được đáp ứng.

Về việc quyền lợi nhà đầu tư ảnh hưởng thế nào, tất nhiên khi hủy giao dịch, nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng với trách nhiệm là cổ đông thì các nhà đầu tư phải có ý kiến tại đại hội cổ đông để khắc phục các việc trên và niêm yết trở lại. Như vậy mới có thể giảm và khắc phục thiệt hại kinh tế.

Bộ Tài chính nói gì về điều kiện để cổ phiếu "họ" FLC giao dịch trở lại? - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trước vụ việc việc tăng khống vốn điều lệ xảy ra trên thị trường chứng khoán vừa qua và cần làm gì để tránh tình trạng tương tự, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, hiện vụ việc của FLC đang trong quá trình điều tra và Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cùng với đó, rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; rà soát, tham mưu nâng cao điều kiện thành lập Quỹ tài chính… trình lãnh đạo Bộ trước ngày 30/9 để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, ngày 16/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có công văn gửi Công ty CP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) cho biết, đến ngày 15/8, doanh nghiệp này vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Ngày 11/7, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo vì chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021; chưa công bố thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021, đồng thời chưa lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2022.

Do vậy, lần này, HoSE sẽ "nâng lên diện đình chỉ giao dịch". Ngoài ra, một doanh nghiệp khác có liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Nông dược HAI (mã CK: H.A.I) cũng nhận được thông báo từ HoSE về khả năng đình chỉ giao dịch với lý do tương tự.

FLC tiếp tục báo lỗ trong quý II

Về hoạt động của FLC, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm 2022.

Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, FLC ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như giá vốn đều giảm mạnh trong quý II. Đáng chú ý, mức giảm giá vốn lên đến 75%, trong khi doanh thu chỉ giảm 50%. Nhờ vậy, việc kinh doanh trên giá vốn vẫn giúp công ty mẹ FLC ghi nhận lợi nhuận gộp gần 88 tỷ đồng.

Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết, FLC ghi nhận doanh thu bán hàng quý II trên 623 tỷ đồng, và nửa đầu năm trên 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 104 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với lợi nhuận gộp âm gần 149 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận này khó bù đắp được khoản lỗ từ việc đầu tư các đơn vị liên doanh, liên kết. Cụ thể, lỗ trong công ty liên doanh liên kết ghi nhận hơn 317 tỷ đồng trong quý II và 582 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Kết hợp với sự gia tăng của các loại chi phí, FLC tiếp tục báo lỗ sau thuế quý II hơn 640 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/6 là 1.105 tỷ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính nói gì về điều kiện để cổ phiếu 'họ' FLC giao dịch trở lại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới