Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình kinh tế trong diễn biến mới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm.
Mới đây tại phiên họp Chính phủ ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD...
Đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình kinh tế trong diễn biến mới |
Có thể thấy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật tương xứng với sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa quan trọng đã được triển khai. Hoạt động tổ chức, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân đón Tết được chú trọng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm cần lưu ý khi tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.
Trong tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm