Bộ Công Thương đề nghị dừng xây dựng các dự án thủy điện nhỏ
Trước diễn biến thời tiết cực đoan, các đợt mưa lũ lớn trên diện rộng xảy ra tại miền Trung, mới đây, Bộ Công Thương đã văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng các dự án thủy điện nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký văn bản số 9844/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án/công trình thủy điện.
Theo đó, Bộ này đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng; Chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.
Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân bị vùi lấp. |
"Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh và kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Đặc biệt, các địa phương "chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW", Bộ Công thương đề xuất.
Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công, Bộ này đề nghị tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể những mặt tích cực, và hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển thủy điện trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan.
Ngoài ra, với việc đầu tư các dự án thủy điện khác, Bộ Công thương yêu cầu tăng cường quản lý về an toàn thi công, đặc biệt là các thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
Bộ Công thương cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức các đoàn công tác để làm việc trực tiếp với địa phương về thủy điện.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 - 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Mới đây nhất, ngày 12/10/2020, thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế sạt lở, làm 17 công nhân bị vùi lấp. Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.
Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đắk Men 3 tỉnh Kontum, Đắk Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường