Bình Dương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Từ năm 2008, UBND tỉnh Bình Dương đã bắt đầu kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm hạt nhân phát triển ra các vùng lân cận.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị mạnh mẽ ở Bình Dương, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là một hướng đi tất yếu của tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn ưu đãi, tạo điều kiện để nông dân đầu tư và mở rộng các mô hình này.
Theo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương, nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
Bước đầu, tỉnh Bình Dương cũng tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đến đầu tư các dự án khu nông nghiệp công cao tại huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên. Đặc biệt, huyện Phú Giáo là địa phương đi đầu về việc áp dụng, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 3 khu nông nghiệp công nghệ cao lớn ở xã An Thái, xã Hiếu Liêm và xã Phước Sang. Những sản phẩm của các khu nông nghiệp này không chỉ được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trong nước mà còn xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Trong đó, khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái do Công ty U&I làm chủ đầu tư có quy mô lớn nhất với hơn 400ha.
Khu nông nghiệp An Thái có nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu, khu sản xuất, … Nhiều nhất là diện tích trồng chuối với khoảng 100ha, ngoài ra còn có dưa lưới, cam, bưởi, quýt, chanh và các loại rau củ quả... Mỗi loại cây trồng ở đây đều được lắp các hệ thống tưới và bón phân tự động. Đây là hệ thống tưới ngược từ dưới đất cho chuối, sử dụng công nghệ tưới của nước ngoài. Được biết, các đơn vị tham gia khu nông nghiệp này đều mời những chuyên gia nước ngoài đến để phụ trách đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nhân công người Việt.
Áp dụng nhiều chính sách
Trong khi đó, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, trừ các doanh nghiệp lớn như Công ty U&I (công ty mẹ của Unifarm), Công ty Vinamit Việt Nam, Công ty TNHH Đức Tiến, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường mới khởi nghiệp, chưa có quá trình hoạt động lâu dài và chưa có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao yêu cầu vốn đầu tư cao hơn nhiều so với dự án nông nghiệp truyền thống.
“Khi thực hiện vay vốn để phát triển dự án, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tài sản đảm bảo vốn vay, giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết.
Tính đến tháng 5/2020, Sở NN&PTNT đã tiếp cận và xét duyệt 110 phương án vay vốn. Trong đó, có 104 phương án đảm bảo nội dung, điều kiện theo quy định với tổng vốn đề nghị vay là 875 tỷ đồng. Các phương án này được chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tiến hành thẩm định và quyết định cho vay; 5 phương án không thuộc đối tượng vay vốn; 1 phương án Chủ đầu tư rút hồ sơ. Sau khi thẩm định các phương án đủ điều kiện từ Sở NN&PTNT, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh phê duyệt cho vay và ký hợp đồng tín dụng với 83 phương án với tổng số vốn cho vay 640 tỷ đồng. Được biết, lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn (áp dụng đối với những khoản vay trung và dài hạn) là 3%/năm; sau thời gian ân hạn là 3,85%/năm (điều chỉnh vào tháng 2/2017).
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, tổ chức tập huấn để phổ biến rộng rãi những nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo