Biểu tình, đòi nợ phản cảm có thể bị xử phạt và khởi tố
Không chỉ dừng lại ở việc căng băng rôn, cắt ghép hình ảnh, quay chụp hình ảnh tung lên mạng xã hội…, gần đây, rầm rộ hình thức đòi nợ vô cùng phản cảm - “tế sống” con nợ.
Tình trạng thiếu vốn lan rộng từ cuối năm 2022 đến nay đã làm tê liệt toàn nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng ngưng hoạt động hoặc phá sản. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô, tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Khó khăn về dòng vốn đã khiến các doanh nghiệp không thể thanh toán đúng hạn các khoản đầu tư trái phiếu, đầu tư linh hoạt…
Với hàng loạt chính sách thắt chặt dòng vốn, cộng thêm tác động tiêu cực khi các doanh nghiệp lớn bị phanh phui sai phạm trong quá trình huy động vốn thông qua kênh trái phiếu, các nhà đầu tư bắt đầu hoang mang, ồ ạt kéo đến trụ sở doanh nghiệp phát hành đòi rút tiền ngay lập tức. Tình trạng căng băng rôn, khẩu hiệu đòi tiền đã kéo dài suốt thời gian qua.
Không chỉ tập trung đám đông biểu tình gây mất trật tự công cộng, sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân... để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…, gần đây nhiều nhóm đối tượng bắt đầu sử dụng biện pháp đòi nợ cực đoan bằng những hành vi như “lập chốt”, ăn ở, sinh hoạt tại nhà “con nợ”, thậm chí làm cáo phó, vòng hoa, tổ chức kèn trống đám ma cho “con nợ” gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây rối trật tự xã hội.
Trên thực tế, cách đòi nợ này đã xuất hiện từ lâu. Cụ thể, theo báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 29/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị H. (40 tuổi, tổ 21, KV5, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) về tội "gây rối trật tự công cộng".
Theo đó, dù đã bị phạt hành chính về hành vi "gây mất trật tự ở khu dân cư", bà này vẫn liên tục đến Công ty TNHH Habico chửi bới, đốt nhang vái lạy, thắp trước cổng công ty và sử dụng loa, micro phát âm thanh công suất lớn để la lối, chửi bới đăng tải các video phản cảm trực tiếp lên mạng xã hội Facebook.
Những hành vi đòi nợ cực đoan bằng hình thức “khủng bố” gây mất trật tự như lôi kéo đám đông biểu tình, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đã tồn tại và gây nhức nhối trong xã hội nhiều năm qua.
Trước đó, báo Pháp luật TP HCM đã có bài viết số báo ngày 01/01/2014 phản ánh hành vi “khủng bố” con nợ của bà NTL (Bình Dương). Cụ thể, việc bà NTL vẽ sơn lên tường rào, dùng xe tải chắn ngang cửa nhà bà LTH, lập bàn thờ, thắp nhang, mở cassette tụng kinh từ 5 giờ sáng là những hành vi gây mất mỹ quan, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đi lại nơi công cộng.
Theo Khoản 1 Điều 245 BLHS về tội danh này quy định: Người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Như vậy, ở lần vi phạm thứ nhất, bà L. sẽ bị xử phạt hành chính nhưng nếu sau đó bà không chấm dứt việc đòi nợ này mà vẫn cố tình vi phạm thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Mặc dù đã có hành lang pháp lý, chế tài xử lý cụ thể, tuy nhiên bất chấp quy định của pháp luật, những hành vi đòi nợ cực đoan như trên vẫn đang diễn ra một cách công khai, thách thức pháp luật. Trước tình trạng đòi nợ “khủng bố” lộng hành gây phẫn nộ trong xã hội, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ, vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng này. Bởi nếu không xử lý nghiêm, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và gây nhiều bất ổn cho xã hội.
(Tít bài đã được điều chỉnh phù hợp với nội dung)
PV