Bệnh héo rũ Panama – ‘Kẻ hủy diệt’ nhiều vùng chuối
Theo đánh giá tỷ lệ nhiễm bệnh héo rũ Panama trên chuối chưa cao nhưng nếu không đối phó đúng cách, nó có thể lây lan nhanh, xóa sổ nhiều vùng trồng.
Kẻ hủy diệt"
Bệnh héo rũ Panama do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra đã xóa sổ ngành công nghiệp chuối Gros Michel ở Trung Mỹ và Caribbean, vào giữa thế kỷ XX.
Hậu quả của Foc Race 1 đã được khắc phục bằng cách chuyển sang các giống chuối Cavendish kháng thuốc, hiện là nguồn gốc của 99% chuối xuất khẩu.
Bệnh héo rũ Panama trên chuối chưa cao nhưng nếu không đối phó đúng cách, nó có thể lây lan nhanh, xóa sổ nhiều vùng trồng.
Đến nay, Foc đã được phân loại thành 3 chủng, dựa theo giống chuối chúng sử dụng làm vật chủ. Cụ thể là, Foc Race 1 (Foc 1), Foc Race 2 (Foc 2) và Foc Race 4 (Foc 4). Trong đó, Foc 4 có thể được chia thành hai chủng nhỏ hơn là Foc nhiệt đới 4 (Foc TR4) và Foc cận nhiệt đới 4 (Foc STR4).
Trong số tất cả các kiểu gen Foc, Foc TR4 được coi là loài chiếm ưu thế, mang tính hủy diệt nhất vì phạm vi vật chủ rộng hơn và khả năng sống sót để phát tán cao (chịu được nhiệt độ cao mạnh hơn).
Foc TR4 dễ dàng qua mặt khả năng đề kháng của chuối Cavendish. Nghiêm trọng hơn nữa, các giống chuối khác như chuối xanh, chuối nấu và một loạt các giống chuối tráng miệng (không mẫn cảm với Foc 1 và Foc 2) cũng dễ dàng bị nhiễm Foc TR4.
Tính ra trên thế giới, có tới hơn 80% sản lượng chuối xanh và chuối toàn cầu được cho là trồng từ tế bào mầm mẫn cảm với Foc TR4.
Bộ NN&PTNT vào cuộc
Trước tác hại của “kẻ hủy diệt’ này, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, vừa qua Cục Bảo vệ Thực vật cùng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Bảo vệ Thực vật và Cục Trồng trọt đã lập đoàn công tác, khảo sát tình hình bệnh héo rũ Panama trên chuối ở một số khu vực trồng chuối phía Bắc.
Theo đó từ 20-23/7, đoàn đã khảo sát tại 4 địa phương là Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội và Hưng Yên. Trong đó, các vùng trồng chuối ở Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội đã xuất hiện bệnh, trong khi ở Hưng Yên, bệnh héo rũ Panama chưa có xuất hiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: “Bệnh héo rũ Panama có nguy cơ phát triển mạnh nếu chúng ta mở rộng diện tích trồng chuối. Tại Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội có một số khu vực nhiễm bệnh cao và người dân phải chặt bỏ. Thậm chí, ở Mường Khương, Lào Cai, sau khi chặt bỏ chuối bệnh rồi trồng lại thì lại tiếp tục nhiễm bệnh”.
Nhiều diện tích trồng chuối đang bị đe dọa bởi "kẻ hủy diệt" Panama
Hiện nay, diện tích trồng chuối ở Phú Thọ và Hà Nội vào khoảng 3.000 ha, trong khi đó Hưng Yên có khoảng 2.500 ha trồng chuối. Đây là các địa phương có điểm tương đồng khi trồng chuối ở vùng ven sông, bãi bồi. Trong khi 2 địa phương còn lại đang xảy ra tình trạng héo rũ Panama thì ở Hưng Yên bệnh lại không đáng kể.
Nguyên nhân được cho là cách đây 2 năm, diện tích chuối tiêu hồng ở Hưng Yên có bị nhiễm bệnh nhưng người dân đã nhanh chóng chuyển đổi sang chuối tây để canh tác, có khả năng kháng héo rũ Panama tốt hơn rất nhiều.
Ông Dương cho biết, do chuối tây chỉ có thể phục vụ nhu cầu trong nước và xuất được sang Trung Quốc, nên nhiều địa phương miền Bắc đang có nhu cầu phát triển diện tích trồng chuối tiêu, vốn được các thị trường phương Tây ưa chuộng.
“Nếu muốn trồng chuối tiêu, các địa phương chắc chắn phải quan tâm đặc biệt đến loại bệnh này. Nếu chủ quan, không để ý có thể bị xóa sổ cả vùng trồng. Trước đây, ở các nước Nam Mỹ đã xảy ra tình trạng cả vùng trồng chuối tiêu bị xóa sổ do bệnh héo rũ Panama”, ông Dương cảnh báo.
Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, giải pháp đối phó với héo rũ Panama hiện nay trước tiên vẫn là giống, sau đó mới tính đến các phương án chuyển đổi cây trồng.
Ông Nguyễn Quý Dương cũng cho biết, sẽ tham mưu cho các địa phương rà soát, đánh giá lại tỷ lệ chuối tiêu/chuối tây trên tổng diện tích, xác định hiện trạng bệnh héo rũ Panama từ đó mới đưa ra được các giải pháp.
“Với các vùng nhiễm nhẹ, người dân có thể chủ động hủy cây nhiễm bệnh, vệ sinh khu vực xung quanh tránh lây nhiễm. Nếu bệnh đã lan rộng thì cần bỏ, vệ sinh lại toàn bộ và chuyển sang cây trồng khác, có thể là giống kháng bệnh, có thể là chuối tây hoặc có thể là một loại cây trồng mới”, ông Dương khuyến cáo.
Theo hướng dẫn, lúa nước là loại cây tốt nhất có thể trồng để làm sạch nguồn bệnh héo rũ Panama nhưng ở các tỉnh miền Bắc đa số trồng chuối trên đồi hoặc bãi bồi nên phương án này không khả thi, thay vào đó là các cây trồng ngắn ngày khác.
Tuy nhiên, do chuối đang có giá trị kinh tế cao, nên nếu vẫn lựa chọn phương án trồng chuối, bà con nông dân cần kết hợp cả giống với các phương thức canh tác được hướng dẫn để đối phó với loại bệnh này.
Triệu chứng bệnh héo rũ Panama: Cây chuối bị nhiễm bệnh héo rũ Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già lan dần lên các lá non, từ bìa lá lan vào gân lá.
Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá.
Trên cây, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt còn xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng bị héo úa.
Phòng ngừa bệnh héo rũ Panama: Khử trùng đất bằng hóa chất methyl bromide làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh nhưng được phát hiện là có hiệu quả chỉ trong ba năm. Sau đó, mầm bệnh lại tái tổ hợp ngay ở các khu vực đã khử trùng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm