Bến Tre: Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm
Thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm gồm ngành sản xuất chế biến dừa, chế biến thủy sản, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, với việc đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh, đưa tỷ trọng khu vực II chiếm 30% trong GRDP vào năm 2025, Bến Tre cần tập trung phát triển các ngành CN trọng điểm gồm ngành sản xuất chế biến dừa, chế biến thủy sản, CN hỗ trợ và năng lượng tái tạo. Trong đó, chú trọng phát triển ngành CN chế biến dừa đi vào chiều sâu, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại trong quản lý và sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia tốt vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bến Tre sẽ tập trung thu hút, mời gọi các dự án đầu tư CN quy mô lớn vào chế biến thủy sản xuất khẩu. Triển khai các dự án điện gió theo đúng tiến độ cam kết, bổ sung quy hoạch, tuyển chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện dự án điện khí hóa lỏng. Tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, trên mặt nước, nghiên cứu, phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối. Phát triển CN hỗ trợ theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng cao.
Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển CN hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu như CN hỗ trợ ngành dệt - may, da - giày, ngành điện tử - tin học, cơ khí chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô và CN hỗ trợ ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm. Tiếp tục đầu tư phát triển các làng nghề tiểu thủ CN, tham gia chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Bến Tre phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm |
Từ thực tế thời gian qua cho thấy, tỉnh còn rất nhiều tiềm năng, nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư để phát triển. Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình kiến nghị, tỉnh cần xem xét cân đối bố trí vốn để giải phóng mặt bằng các khu, cụm CN theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư; ban hành và thực thi có hiệu quả bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành CN chủ lực của tỉnh gồm ngành sản xuất chế biến dừa và ngành sản xuất chế biến thủy sản. Từ đó, tỉnh tập trung đầu tư và coi tăng trưởng xanh là trọng tâm ưu tiên để phát triển bền vững. Kết quả, giá trị sản xuất của ngành CN chủ lực tăng bình quân 11,83%/năm, chiếm tỷ trọng 40,97% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành CN chủ lực tăng bình quân 10,64%/năm, chiếm tỷ trọng 28,61% so với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: sữa dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính dần đi vào xuất khẩu ổn định và tăng nhanh. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, từ 113 nước năm 2016 lên 126 nước năm 2019 (tăng 13 nước).
Qua đó, kết quả sản xuất các ngành chủ lực đã đóng góp vào giá trị sản xuất CN của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức tăng trưởng khá, tăng trưởng bình quân 12,32%/năm; giá trị tăng thêm tăng bình quân 11,64%/năm. Năng lực sản xuất CN không ngừng tăng lên và đóng góp ngày càng cao cho phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tỷ trọng ngành CN có sự chuyển dịch đúng hướng: ngành CN chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế với tỷ trọng 97,56% so với toàn ngành CN.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm