Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% và giảm 4,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% và giảm 59,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 0,9%.
Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng trưởng 3,3% so với tháng trước
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,2%; Bình Định tăng 6,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%).
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%) do học sinh và sinh viên bước vào giai đoạn nghỉ hè, cùng với chính sách kích cầu du lịch nội địa được tăng cường nên mức giảm của doanh thu du lịch lữ hành đã thu hẹp lại.
Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 289,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,34% tổng mức và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhằm phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1635/QĐ-BCT ngày 19 tháng 6 năm 2020 về việc tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến ngày 31 tháng 7 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc.
Sau 3 tuần triển khai chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020”, đã có hơn 3.000 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại trên 50% được triển khai thực hiện trên cả nước. Trong đó, hạn mức khuyến mại 80% đến 100% có gần 400 chương trình, hạn mức khuyến mại 60% đến 79% có gần 700 chương trình và hạn mức khuyến mại từ 50% đến 69% có hơn 1.900 chương trình.
Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, … thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhiều chương trình đực thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước
Bộ Công Thương vẫn đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc triển khai các nội dung tuyên truyền, quảng bá về Chương trình thông qua hình thức phát phóng sự trên truyền hình, quảng bá trên đài phát thanh, treo băng rôn, phướn và phát tờ rơi tại các địa điểm du lịch.
Đồng thời, ngày 25 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020. Đây là một trong 4 hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh diễn ra từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 của ngành Công Thương.
Chương trình góp phần thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế: “Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây cũng là một trong những hoạt động chính nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 của Bộ Công Thương góp phần khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2020, Chương trình “ Tự hào hàng Việt Nam” bao gồm các hoạt động: Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2020 tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội; Hoạt động hưởng ứng kích cầu tiêu dùng, kết nối hàng Việt Nam; Hoạt động truyền hình Nhận diện hàng Việt Nam; Hội nghị Tổng kết Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động; Hoạt động truyền thông quảng bá, nhận diện hàng Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, hiện đại...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành, các địa phương vừa bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phải đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy duy trì tăng trưởng kinh tế, dự kiến từ nay đến cuối năm, nếu công tác kiểm soát dịch bệnh tốt, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu du lịch, kích cầu nội địa, các chương trình bình ổn thị trương, đưa hàng Việt về nông thôn… được tổ chức tại nhiều đia phương và nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng của Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong các tháng cuối năm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm