0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 17/12/2022 09:13 (GMT+7)

90% doanh nghiệp công nghiệp chưa có lộ trình chuyển đổi số toàn diện

Đó là con số được bà Nguyễn Thúy Anh - Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - nêu lên tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số công thương.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS) - cho biết đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ gặp phải những thách thức rất lớn.

Tuy nhiên từ góc độ kinh nghiệm là đơn vị tiên phong về chuyển đổi số ở Việt Nam từ cách đây 15 - 17 năm, Phó cục trưởng phụ trách Cục TMĐT&KTS nhìn nhận Covid-19 đã tạo ra cú hích lớn cho việc thay đổi nhận thức xã hội về chuyển đổi số. Cú hích này theo đánh giá của bà Việt Anh là tương đương với khối lượng công việc bà và Cục TMĐT&KTS nỗ lực cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp trong 10 năm qua.

Nhiều giải pháp nhưng chưa trúng "nỗi đau" doanh nghiệp

Cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp, trong đó ước tính 98% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh - Trưởng phòng Kinh tế số, Cục TMĐT&KTS năm 2022 - cho biết trong số này có đến 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo thống kê về chuyển đổi số của doanh nghiệp (Vinasa), khoảng 90% doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên chỉ có 10% doanh nghiệp được nhận định là thực hiện việc chuyển đổi số đã thành công. Những con số này của Vinasa cũng tương tự với thống kê của Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Cục TMĐT&KTS ban hành.

dien dan
Các diễn giả chia sẻ về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp công thương.

Khảo sát của Bộ Công thương với 2.700 doanh nghiệp công nghiệp cho thấy mức độ chuyển đổi số ở doanh nghiệp công nghiệp còn hạn chế. Đáng nói, có đến 90% doanh nghiệp công nghiệp đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chưa thực sự có lộ trình chuyển đổi số toàn diện.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng vấn đề xuất phát từ việc hạn chế nhận thức, hạn chế về thông tin và lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên lại không có nhiều giải pháp phù hợp để lựa chọn cho các doanh nghiệp, ngành, quy mô khác nhau.

Chưa kể các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường lại được tư vấn từ chính doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dẫn đến việc thiếu khách quan. Do vậy để đảm bảo giải pháp mang tính khách quan hơn cần có chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, hay công cụ đánh giá phù hợp quy mô, lĩnh vực ra sao với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chuyển đổi số là công cụ, không phải mục đích

Đại dịch Covid-19 đã đưa cả thế giới một lần nữa rơi vào trạng thái "VUCA" (bất định, bất ổn, phức tạp, mơ hồ) kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Điều này đặt ra thách thức rất lớn về năng lực "sinh tồn" của doanh nghiệp.

Một trong những cách để doanh nghiệp thích ứng, tồn tại trong bối cảnh biến động và cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Công ty phích nước bóng đèn Rạng Đông - cho rằng điều khó khăn nhất khi bắt tay vào chuyển đổi số là phải hình dung ra được mô hình kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp sẽ như thế nào và phải tìm được con đường dịch chuyển mô hình theo đúng định hướng của doanh nghiệp.

Rang Dong
Sau gần 3 năm thực hiện chiến lược chuyển đổi số, Rạng Đông đã lập được mặt bằng tăng trưởng mới, cụ thể kết thúc tháng 9/2022, công ty đạt tăng trưởng 18,9%.

Ngoài ra, sự phức tạp khi phải thay đổi thói quen, cách làm việc của tổ chức để vận hành trên mô hình dựa trên công nghệ số. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi cần có nhiều tri thức về công nghệ, quản trị và thông tin. Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là cần nguồn lực tài chính lớn đầu tư vào mô đun số.

"Chuyển đổi số là để thực hiện mục tiêu chiến lược, công cụ chứ không phải mục đích vì thế phải thực hiện chuyển đổi số có chiến lược có mục tiêu", ông Nguyễn Đoàn Kết nhấn mạnh.

Còn theo Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin, Tập đoàn Điện lực EVN - cho rằng có 3 vấn đề mà doanh nghiệp này thường gặp phải trong quá trình chuyển đổi.

Một là văn hóa và nhận thức, chẳng hạn tại ENV có 96 nghìn cán bộ nhân viên, 60 nghìn công nhân, để chuyển đổi nhận thức toàn bộ lực lượng nhân sự này là việc vô cùng khó khăn, không làm được thì thất bại.

Song song đó là vấn đề dữ liệu, theo ông Nguyễn Xuân Tuấn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không quan tâm đến chuyển đổi số mà chỉ quan tâm đến hiệu quả mua bán. "Tại Úc và New ZeaLand, họ chuyển sang khai thác dữ liệu và biến nó thành tiền một cách dễ dàng. Trong khi đó, 80 - 90% chúng ta không biết cần gì ở dữ liệu mà chúng ta đang có, nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì chúng ta sẽ thất bại, như vậy sẽ mất rất nhiều tiền. Nếu không có bộ phận thực hiện quản trị khai thác dữ liệu thì 5 năm nữa chúng ta sẽ vòng vòng trong mớ dữ liệu", ông Tuấn cảnh báo.

Trong khi đó ông Lê Quốc Hùng – Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food - nêu lên khó khăn từ góc độ doanh nghiệp bắt tay vào thay đổi nhận thức cho người lao động chân tay. Đây là lực lượng có nền tảng thấp vì vậy cần phải làm từng bước và giải thích, thuyết phục để người lao động có thể dần thích ứng và thấy được lợi ích của chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Cục TMĐT&KTS đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam và BIDV trong việc xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số công thương.

Việc xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số công thương sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp ngành công thương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số.

Võ Liên

Bạn đang đọc bài viết 90% doanh nghiệp công nghiệp chưa có lộ trình chuyển đổi số toàn diện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.