0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 12/07/2023 16:54 (GMT+7)

58 dự án năng lượng chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 11/7, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 59 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Có 14 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 686,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 106 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Có ít nhất 3 loại giấy tờ mà chủ đầu tư dự án điện chuyển tiếp phải có trong bộ hồ sơ để công nhận COD. Đó là biên bản nghiệm thu công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giấy phép hoạt động điện lực cho toàn nhà máy và quyết định gia hạn chủ trương đầu tư cho các dự án đã có thời gian vượt quy định.

Việc mới có một số ít dự án có thể gửi hồ sơ công nhận COD là do các các dự án này vẫn chưa đủ bộ hồ sơ theo quy định để bước vào vòng chốt.

20 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất 882,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Cũng theo EVN, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm công nhận vận hành thương mại (COD) đạt khoảng 95,7 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

58 dự án năng lượng chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm - Ảnh 1
Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề chuyển dịch năng lượng, trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu, mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.

TSKH.Mai Duy Thiện - Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam dẫn nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỷ lệ đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng lượng sạch dự kiến đạt 1400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng.

Do đó, chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã là xu hướng chủ đạo trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện và là tất yếu trong phát triển bền vững, phát triển xanh trên thế giới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 58 dự án năng lượng chuyển tiếp được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới