17 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã phát điện thương mại lên lưới
Tính đến ngày 25/7, 17 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Đến nay, đã có 72/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86 MW gửi hồ sơ để đàm phán mua bán điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 25/7 có 17 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 832,92 MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) đến ngày 24/7/2023 đạt khoảng 165,5 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Đến nay, đã có 72/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
EVN cho biết, trong đó có 60 dự án (tổng công suất 3.331,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 58/60 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
21 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy và 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện vẫn còn 13 dự án với tổng công suất 802,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia lần thứ 8 đã được thông qua tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây được xem là một quyết định rất quan trọng với Việt Nam trong lộ trình hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, ngành Điện gánh vác trách nhiệm loại bỏ khoảng 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Quy hoạch điện VIII được xem là một khung pháp lý toàn diện với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế độc lập và tự chủ, nâng cao phúc lợi của người dân và đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Theo Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng (GIZ Việt Nam) Philipp Munzinger, Việt Nam đã có bước đột phá về tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, qua đó khẳng định vị trí là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng năng lượng sạch trong số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Tổng cộng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời (21%) và năng lượng gió (5%), cùng với thủy điện (30%) chiếm tới hơn một nửa tổng công suất lắp đặt nguồn điện của quốc gia.
Lan Anh