0915 15 67 76 [email protected]

Hà Tĩnh: Kết nối cung cầu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh nhận định, khâu tiêu thụ hàng hóa còn gặp khó khăn, nhất là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi sản phẩm chưa có thương hiệu mạnh...

Hôm nay 27/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức chương trình Hội nghị khuyến công, sản xuất sạch hơn (SXSH), và kết nối cung - cầu tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh khẳng định: Công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh những năm qua chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Chương trình khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - ông Lê Xuân Từ - đánh giá, sau 5 năm hoạt động khuyến công, áp dụng SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và kết nối cung cầu năm 2020 đã được triển khai tích cực, chủ động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh tế và môi trường, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).


dsc

Thu hoạch nông sản ở Hà Tĩnh


Theo đó, từ năm 2016 - 2020, có 109 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ là 23.292,2 triệu đồng. Trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 10 đề án, tổng kinh phí là 11.040 triệu đồng và khuyến công địa phương có 99 đề án với tổng kinh phí là 12.252,2 triệu đồng.

Với 5 đề án đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, marketing, nhãn hiệu sản phẩm và phổ biến các chính sách về khuyến công, bình quân mỗi năm có 320 người được đào tạo với kinh phí thực hiện là 98 triệu đồng/năm. Hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất CN-TTCN từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 1.440 triệu đồng, bình quân 288 triệu đồng/năm.

Hà Tĩnh cũng tiến hành hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ 53 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN với kinh phí thực hiện 9.170 triệu đồng, bình quân 1.834 triệu đồng/năm; trong đó 3 đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với số tiền 600 triệu đồng và 50 đề án từ khuyến công địa phương với số tiền 8.570 triệu đồng.

Đặc biệt, về chương trình kết nối cung cầu, ông Lê Xuân Từ cho biết: Nhiều chương trình cụ thể như 3 lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 5 điểm bán hàng Việt Nam ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 5 mô hình cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, đạt chất lượng cao sản xuất trong tỉnh và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; giai đoạn 2016-2020, tổ chức 13 phiên chợ hàng Việt phục vụ nhân dân khu vực nông thôn, vùng núi các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh...


sxc

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị


Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động khuyến công vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng, ít đề án mang tính điển hình và tính lan tỏa chưa cao...

Cụ thể như việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông dân trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ tính bền vững chưa được khẳng định; các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm thiếu đồng nhất và không đồng đều; số cơ sở sản xuất nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, mã số vã vạch còn ít, thậm chí còn nhiều cơ sở sản xuất chưa có bao bì và nhãn mác cho sản phẩm; sản phẩm sản xuất chưa được cấp các giấy chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy việc hỗ trợ tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, nhà phân phối và truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, vấn đề tiêu thụ hàng hóa còn gặp khó khăn, nhất là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi sản phẩm chưa có thương hiệu mạnh nên có những thời điểm giá nông sản giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh.

Cơ quan quản lý nhấn mạnh cần đưa ra các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chủ động tham mưu, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về hoạt động khuyến công phù hợp với mỗi địa phương; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, chương trình kết nối cung cầu một cách hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Cùng với đó, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết nối giao thương với các tỉnh bạn và để hoạt động kết nối cung - cầu trở thành hoạt động thường xuyên và đạt kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu; các tham luận tại hội thảo đều chung quan điểm là cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối một cách đồng bộ, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: Kết nối cung cầu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới