0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 26/11/2020 18:13 (GMT+7)

Hà Nội muốn tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống

Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, quá trình phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Hà Nội chiếm 1/3 số làng nghề tại Việt Nam với khoảng 1350 đơn vị, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Riêng làng nghề gốm sứ Bát Tràng có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước với 75 nghệ nhân. Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề gồm: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh…

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Hà Nội muốn tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống
Hà Nội muốn tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống

Đáng nói, Sở NN&PTNT Hà Nội vẫn cho rằng, trong quá trình phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững. Cùng với đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư và cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Sở NN&PTNT cũng chỉ rõ hạn chế: Mặt bằng sản xuất chật hẹp; nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn.

Chưa kể tới, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nên sức cạnh tranh kém, thiếu các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm. Phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm.

Từ những vấn đề trên, Sở NN&PTNT TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài để tạo điều kiện cho phát triển của các nghề, làng nghề truyền thống khu vực nông thôn.

Thep Tạp chí Thương hiệu và sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội muốn tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới