Nuôi trâu thương phẩm - hướng đi kinh tế của người Tuyên Quang
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp khiến sức trâu dùng trong cày bừa ruộng cũng giảm dần.
Thời gian gần đây, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp khiến sức trâu dùng trong cày bừa ruộng cũng giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu trâu thịt cung cấp cho thị trường thực phẩm ngày càng tăng. Chính bởi vậy người dân ở nhiều nơi đã chuyển sang nuôi trâu thịt thương phẩm, bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Đơn cử như mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), người nuôi trâu cho biết mô hình này vừa tiết kiệm được sức lao động, vừa giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập và giúp người dân có công ăn việc làm ổn định ngay tại địa phương.
Nuôi trâu thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao
Được biết, hiện huyện Lâm Bình có tổng đàn trâu trên 7.600 con/137 hộ gia đình được hỗ trợ vốn từ nguồn xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án chăn nuôi nhốt vỗ béo.
Trong năm 2020, huyện Lâm Bình tiếp tục thẩm định hỗ trợ vốn cho 79 hộ thực hiện. Đồng thời, duy trì có hiệu quả 2 HTX chăn nuôi trâu ở xã Bình An, Thượng Lâm liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu vỗ béo, ngoài những hộ đang thực hiện dự án, hiện nay trên địa bàn huyện còn có nhiều hộ khác cũng tham gia thực hiện nuôi trâu theo hình thức này.
Ông Trần Văn Trung - Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện cho biết: Việc phát triển nghề nuôi trâu, vỗ béo theo hướng hàng hóa tại Lâm Bình là hoàn toàn có thể thực hiện được. Thế nhưng để con trâu sau khi vỗ béo bán ra thị trường với chất lượng tốt, trở thành hàng hóa đặc trưng của địa phương thì huyện cũng cần có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của trung ương và của tỉnh để cung cấp tư liệu và kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là việc lựa chọn con giống, duy trì đàn, chăn nuôi nhốt hoặc bán chăn thả đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện thương lái khắp từ Hà Nội rồi các tỉnh lân cận đều đã biết đến thị trường trâu nuôi nhốt vỗ béo ở huyện Lâm Bình, số hộ thường xuyên đi buôn bán trâu, bò ở các chợ và đưa về các tỉnh dưới xuôi bán. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sử dụng những diện tích đất ven suối, soi bãi hoăc đất vườn đồi để trồng cỏ voi, và các loại cỏ khác để phục vụ chăn nhốt.
Nuôi trâu thịt không lo đầu ra
Hay như mô hình nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của anh Bùi Văn Thương, xóm Đồng Mới (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cũng thu lợi nhuận cao.
Anh Thương chia sẻ: Nhận thấy tại địa phương có nhiều nơi cỏ dại mọc xanh mướt và rơm rạ của người dân thu hoạch sau mỗi vụ lúa vứt thừa thãi, hoang phí. Anh nghĩ đến việc nuôi trâu vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh vay tiền anh em họ hàng làm vốn, sang mấy xóm lân cận mua 6 con trâu gầy về nuôi vỗ béo.
Những ngày đầu tiên khi thấy anh Thương có cách làm kinh tế không giống ai, hàng xóm rỉ tai nhau nói suy nghĩ của anh có vấn đề, từ xưa đến nay có ai đi mua trâu gầy về nuôi bao giờ đâu. Tiền bỏ ra mua trâu thì nhiều, chẳng may nó chết thì mất khối tiền. Khi nghe những lời nói không hay từ bà con trong xóm, anh Thương đều bỏ ngoài tai và lặng lẽ làm công việc mà mình cho là đúng hướng.
Thực tế kết quả, với kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo chuẩn, nên đàn trâu của anh Thương lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán với giá trên 55 triệu đồng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm