0915 15 67 76 [email protected]

Chuyên gia nói gì về việc Hà Nội thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe mới?

Cho ý kiến về việc Hà Nội đề xuất thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe mới, một số chuyên gia cho rằng, cần khoản kinh phí trên 10.000 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện đề xuất thí điểm chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”, báo cáo trước ngày 15/9.

Theo chương trình do Sở TN-MT Hà Nội chủ trì soạn thảo, xe máy cũ trên 18 năm tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chương trình nhằm mục đích từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát.

Đề xuất trên đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ dư luận. Thực tế, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khó bắt gặp những chiếc xe máy đã cũ nát lưu thông trên đường. Xe máy được cho là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 - 50 năm.

Đáng nói, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xác định niên hạn sử dụng an toàn đối với xe máy nên lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này vi phạm an toàn giao thông.

Không dễ thực hiện

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe máy, cần khoản kinh phí trên 10.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, vì vậy để thực hiện thành công và triệt để là điều không dễ.

Trao đổi với VTCNews, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải) cho rằng, nếu lãnh đạo TP Hà Nội cấm những phương tiện quá hạn lưu thông thì những người nghèo sẽ không có phương tiện mưu sinh.

Tuy nhiên theo ông Thủy, phương án hỗ trợ từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/xe vẫn còn ít, vì bây giờ một chiếc xe máy rẻ cũng có giá khoảng 18 triệu đồng. Với sự hỗ trợ ít như thế thì nhiều người chắc chắn sẽ không mua xe mới.

“Nếu chúng ta tăng số tiền hỗ trợ cho người dân lên khoảng 6-8 triệu đồng thì tính khả thi sẽ cao hơn. Tuy nhiên quá trình làm phải có sự chắt lọc chứ không thể làm đại trà được. Nếu chúng ta làm đại trà thì số tiền sẽ quá lớn và vấn đề thực hiện sẽ rất khó khăn”, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Theo chuyên gia, trước tiên thành phố cần phải xử lý những xe xả khói đen gây ô nhiễm khi lưu thông trên đường. Với những xe này, lực lượng chức năng phải có phương án thương lượng và hỗ trợ người dân để đổi sang xe mới. Như vậy, bước đầu sẽ loại được những xe xả thải ô nhiễm môi trường, việc thực hiện sẽ khả thi hơn.

Ông Thủy cũng đóng góp thêm phương án là những xe cũ nào còn phục hồi được thì nên đưa vào xưởng để phục hồi, việc này nhằm giúp những xe cũ giảm bớt khí thải ô nhiễm ra môi trường và giảm bớt chi phí hỗ trợ người dân.

chuyen gia noi gi ve viec ha noi thi diem doi xe may cu lay xe moi
Theo chuyên gia, phương án hỗ trợ từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/xe vẫn còn ít, vì bây giờ một chiếc xe máy rẻ cũng có giá khoảng 18 triệu đồng. Ảnh minh họa: Internet.

Lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước, có thỏa đáng?

Trong khi đó, trao đổi với Infonet, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương đo kiểm chất lượng không khí của Hà Nội.

Tuy nhiên, theo bà việc lấy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân đổi xe theo đề xuất là không hợp lý.

“Bởi vì nguồn ngân sách ấy còn được chi tiêu cho nhiều việc khác chứ không chỉ có nội dung này”, ĐB Quốc Khánh nói.

Bà Khánh cũng đưa ra thắc mắc: Tại sao không khuyến cáo người dân thay thế những phụ tùng gây ô nhiễm môi trường, trong khi nhiều nước cũng không bắt buộc đi thu hồi hết?

“Trên thế giới vẫn có những xe cổ tồn tại bao đời, có giá trị rất lớn khi mang đấu giá. Vì họ biết đó là xe cổ, thay thế phụ tùng để không trở thành những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Nên chăng chỉ thay thế những bộ phận trong xe dễ gây ra ô nhiễm ra môi trường. Những xe vẫn tốt dù có thời hạn đăng ký trên 18 năm mà đi thu hồi để tái chế, liệu có doanh nghiệp nào đứng ra làm hay lại thành một đống rác thải?”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, bà Khánh cho rằng, việc Sở Tài nguyên và Môi trường đứng ra thực hiện dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân bị thu hồi xe máy quá niên hạn sử dụng cũng không hợp lý. Thay vào đó, nên để các hiệp hội, các doanh nghiệp đứng ra làm, họ sẽ tính toán hỗ trợ cho người dân thì thoả đáng và phù hợp hơn.

“Không phải lấy tiền quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ như thế… Có vẻ như Sở sẽ chồng lấn sang vai của doanh nghiệp”, nữ ĐBQH này nhấn mạnh.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về việc Hà Nội thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe mới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới