0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 28/12/2020 08:45 (GMT+7)

Hà Nội lại cảnh báo ô nhiễm không khí

Ngày 27/12, Hà Nội vẫn bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, nhiều nhà cao tầng bị "mất nóc", tầm nhìn bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Theo số liệu từ cổng thông tin môi trường UBND TP.Hà Nội, ngày 27/12, trong nội thành, các điểm quan trắc có chỉ số AQI ở ngưỡng xấu có hại cho sức khỏe con người gồm: Phạm Văn Đồng là 183, Hàng Đậu 178, Lý Thái Tổ 173, Hà Đông 169, Cầu Diễn 167, Bắc Từ Liêm 165, Thành Công và Chi cục Bảo vệ môi trường cũng có chỉ số 165. Các khu vực còn lại, chỉ số AQI dao động từ 106 đến 164.

Từ đầu tháng 12 đến nay, chất lượng không khí trên địa bàn TP.Hà Nội đột ngột giảm mạnh về đêm và sáng sớm. Có những thời điểm, 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém.

Đặc biệt, trong một số ngày, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức cảnh báo xấu (từ 151 - 200), ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

tm-img-alt
Từ đầu tháng 12 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức kém. (Ảnh minh họa: Internet)
Có 3 yếu tố chính gây ra hiện tượng này, đó là: Các chất ô nhiễm do hoạt động của giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp trong nội đô tích tụ từ chiều hôm trước không khuếch tán được; gió mùa Đông Bắc đưa bụi mịn từ bên ngoài vào Hà Nội và sự thay đổi của thời tiết.

Trong đó, sự thay đổi của thời tiết tác động rõ rệt nhất đến sự tăng - giảm chất lượng không khí trong những ngày qua. Thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi có ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.

Việc xuất hiện sương mù kéo dài trong ngày khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), kết quả quan trắc trong tháng 11 và đầu tháng 12/2020 tại trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình trong 24 giờ tại Hà Nội, TP.HCM hầu hết đều tăng cao hơn các đô thị khác.

Ông Lê Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ TN&MT) - cho biết từ cuối năm 2019, khi họp bàn giải pháp cấp bách về kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn, Bộ TN&MT đã nêu ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài.

Giải pháp trước mắt khi xảy ra những đợt ô nhiễm yếu tố từ tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết, cần triển khai các biện pháp mang tính "can thiệp" như phun rửa đường, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ đường phố.

Còn về lâu dài, Bộ TN&MT đã trình lại Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Số liệu thống kê năm 2019, sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động. Quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những điều này và cũng chính là "sát thủ" gây nên những ca tử vong sớm.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội lại cảnh báo ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.