0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 23/02/2021 00:11 (GMT+7)

Hà Giang: Xót xa cam sành rụng đỏ gốc

Khoảng 1 tuần nay, tại các huyện Bắc Quang và Quang Bình tỉnh Hà Giang lại xuất hiện tình trạng cam sành rụng "đỏ gốc" gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hà Giang, trong niên vụ 2020 - 2021, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 6.600 ha; trong đó, có khoảng 5.800 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt 68.000 tấn. Cam sành bước vào giai đoạn chín và thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau.

Trong niên vụ cam 2020 - 2021, do ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên quá trình vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ cam sành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng nhiều vườn cam đã chín vẫn còn phải để quả trên cây; hiện tượng này được người dân gọi là “cam treo cành”.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang kiểm tra tình hình cam rụng tại các địa phương. Ảnh: TL.

Cho đến thời điểm trung tuần tháng 2 dương lịch, sản lượng cam sành của Hà Giang đã được tiêu thụ mới chỉ đạt khoảng từ 55 - 60%. Riêng huyện Vị Xuyên, do diện tích cam nhỏ và sản lượng cam thấp nên đã tiêu thụ hết trước và sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, tính đến ngày 18/2 tại huyện Bắc Quang, Quang Bình của tỉnh này xảy ra tình trạng cam sành đồng loạt rụng. Tổng sản lượng quả cam bị rụng là trên 1.900 tấn, chiếm 3% so với tổng sản lượng cam sành niên vụ 2020 - 2021 (sản lượng ước đạt 60.000 tấn).

Trước hiện tượng cam sành bị rụng quả hàng loạt, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn, phối hợp với các ngành chuyên môn của 2 huyện đi kiểm tra thực tế tại một số vườn cam bị rụng quả.

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã đưa ra kết luận: Hiện tượng cam sành bị rụng quả hàng loạt do nguyên nhân cam sành đã bước vào cuối giai đoạn chín. Trong khi đó, thời kỳ từ cuối tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, cây cam sành bước vào giai đoạn ra lộc non và nụ hoa của vụ tới. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thời tiết có nắng và hanh khô kéo dài lại gặp một số trận mưa nhỏ do ảnh hưởng gió mùa đông bắc bên dẫn đến hiện tượng cam bị rụng quả hàng loạt.

Ngoài ra, đoàn công tác của Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các nhà vườn thu dọn cam bị rụng chôn tiêu hủy để không ảnh hưởng đến môi trường và của đất vườn; không nên mở rộng thêm diện tích trồng cam và nên thu hoạch cam đúng độ chín để hạn chế hiện tượng cam bị rụng quả gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Trước đó, cùng thời điểm này năm 2020, tại tỉnh Hà Giang cũng xảy ra tình trạng cam đồng loạt rụng với tổng sản lượng lên tới 16.000 tấn. Nguyên nhân là do một số hộ dân muốn giữ lại cam trên cây để chờ qua Tết Nguyên đán bán được giá.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay các hộ trồng cam ở Hà Giang đã chủ động bán cam trước Tết. Thế nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt dịp đầu tháng 2, Hà Giang ghi nhận bệnh nhân số 1976 mắc Covid-19 khiến việc kiểm soát đi lại bị thắt chặt nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển tiêu thụ cam từ Hà Giang đến các thị trường lớn.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Giang: Xót xa cam sành rụng đỏ gốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.