0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 01/03/2021 08:36 (GMT+7)

Xây cao tốc, hầm dọc Tô Lịch: Hệ thống cống thu gom nước thải Yên Xá có ảnh hưởng?

Với đề xuất làm hầm và cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi toàn bộ quy hoạch thoát nước Hà Nội đang triển khai.

Ý tưởng gây tranh cãi

Thời gian gần đây dư luận dậy sóng với đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) về việc xây dựng cao tốc ngầm kết hợp cống chống ngập cho thủ đô Hà Nội. Công trình này nằm ở độ sâu 36 m bên dưới bờ kè sông Tô Lịch (TP.Hà Nội).

Phối cảnh dự án hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS. Hoàng Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ KHCN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng KHCN Bộ GTVT cho biết, hình thái công trình này đã thực hiện thành công tại nước ngoài. Nhìn chung có rất nhiều mục tiêu như giao thông, vấn đề thoát nước, môi trường khôi phục tính tự nhiên của sông Tô Lịch. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí và thời điểm đầu tư sẽ quyết định tính khả thi của dự án.

Khi được hỏi về quan điểm có nên giữ và bảo tồn dòng sông Tô Lịch hay không, PGS.TS. Hoàng Hà cho hay, dự án cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch của JVE Group chỉ mới dừng lại ở đề xuất. Còn rất nhiều bước nữa mới tới bước phê duyệt phát triển dự án. Việc khôi phục tính tự nhiên của sông Tô Lịch thì ở các nước cũng đã có dự án thực hiện, điển hình như Hàn Quốc.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trong rất nhiều cuộc họp các chuyên gia thống nhất rằng sông Tô Lịch không chỉ để thoát nước mà còn bảo tồn di sản và khai thác cảnh quan thiên nhiên chứ không nên làm mất đi cảnh quan vốn có của nó.

Trong khi đó, ThS.KS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 cho biết, việc làm đường cao tốc ngầm dưới lòng sông với 3 mục đích chính là giảm ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và tình trạng ngập úng trên địa bàn. Nhưng đây là một dự án rất tốn kém, vì việc xây dựng đường hầm đòi hỏi công nghệ tiên tiến với mức đầu tư sẽ cao hơn nhiều lần so với đường bộ và đường trên cao.

"Các dự án trọng điểm phải được thực hiện theo quy hoạch, quy hoạch về giao thông Hà Nội đã có các tuyến đường vành đai, đường trên cao...Hơn nữa về mặt chi phí sẽ lớn đi cùng đó phải tính được lợi ích các tuyến đường sẽ thay đổi ra sao, có giảm tải được nhiều ách tắc giao thông không?", ông Tuấn nêu rõ.

Trên thực tế đã có rất nhiều đề xuất táo bạo để cải tạo sông Tô Lịch nhưng đều “bỏ ngỏ”. Điển hình như Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam cũng đã trình UBND TP.Hà Nội dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch” nhưng cuối cùng không được phê duyệt do vướng phải nhiều ý kiến phản đối.

Vào tháng 7/2019, trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm – ông Dương Đức Tuấn đã đề nghị thành phố xem xét cống hóa kết hợp xây dựng các bãi đỗ xe thông minh đối với một số con sông có tính chất kênh, mương thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đại biểu HĐND, chuyên gia môi trường, đô thị, cấp thoát nước…

Vào tháng 11/2019, đề xuất xây dựng “lầu vọng nguyệt” với điểm nhấn là các nhà chờ theo kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn… dọc hai bờ sông Tô Lịch lại gây ồn ào, vấp phải ý kiến phản đối. Song dự án được đánh giá là rất khó thu hút tiền đầu tư do không có nguồn thu.

Tháng 9/2020, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã gửi đề xuất lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Nước thải tại sông Tô Lịch sẽ đi về đâu?

Trao đổi với báo chí, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự quan tâm của JVE liên quan tới các vấn đề của sông Tô Lịch, đặc biệt vấn đề xử lý ô nhiễm cho dòng sông này.

Trên thực tế, JVE đã thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor nhưng không thành công. Với đề xuất làm hầm chống ngập và cao tốc ngầm dưới sông Tô Lịch thì cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi toàn bộ quy hoạch thoát nước Hà Nội đang triển khai. Trong đó có Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Hà Nội đang triển khai và các hệ thống cống gom nước thải, hệ thống trạm bơm đang hoạt động hoặc đã triển khai, sắp đưa vào hoạt động.

GS.TS Vũ Trọng Hồng đặt vấn đề khi thực hiện xây dựng hệ thống cống ngầm chống ngập thì việc thu, gom, xử lý nước thải sẽ được thực hiện như thế nào? Sẽ sử dụng hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội hay phải xây dựng hệ thống cống ngầm mới? Bởi không thể sử dụng hệ thống thoát nước nổi cho một dự án ngầm.

Thực tế cho thấy hệ thống cống thu gom nước thải là một trong những hạng mục quan trọng thuộc dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuyến cống bao số 1 dài 11,4km có đường kính D800mm đến D1.800mm chạy dọc theo sông Tô Lịch qua các tuyến phố như Nguyễn Đình Hoàn, Quan Hoa, Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ, Giáp Nhất, Kim Giang, Vũ Tông Phan. Công trình được khởi công tháng 5/2020, dự kiến hoàn thành sau bốn năm thi công.

Hệ thống cống thoát nước này trùng với thiết kế công trình Cao tốc ngầm và hầm chống ngập của JVE Group đề xuất.

Nhiều chuyên gia đặt nghi ngại nếu như dự án của JVE Group được chấp thuận thì việc thu gom và xử lý nước thải tại hệ thống chống ngập "khổng lồ" bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) sẽ được đưa đi đâu. Có xử lý trước không hay sẽ gom nước thải rồi chảy thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy?

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Xây cao tốc, hầm dọc Tô Lịch: Hệ thống cống thu gom nước thải Yên Xá có ảnh hưởng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.