0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 27/01/2021 08:06 (GMT+7)

Thái Nguyên: Sản xuất chè vụ Đông - chìa khóa để nâng cao thu nhập

Người dân trồng chè tỉnh Thái Nguyên không chỉ thay thế giống chè trung du cằn cỗi bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao mà còn tập trung làm chè vụ Đông, góp phần tạo việc làm.

Chè vụ Đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn chè chính vụ, đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn. Với giá bán cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với chè chính vụ, sản xuất chè vụ Đông giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống.

Những năm gần đây, sản xuất Chè Thái Nguyên vào vụ Đông đang được bà con trồng chè quan tâm
Những năm gần đây, sản xuất Chè Thái Nguyên vào vụ Đông đang được bà con trồng chè quan tâm
Toàn tỉnh hiện có trên 22.000 ha chè, trong đó, diện tích chè sản xuất vụ Đông chiếm hơn 40%. Những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cụ thể, nếu như trước đây, bà con thường sử dụng thuốc trừ cỏ và phân hóa học thì nay, người dân đã dùng máy cắt cỏ, sau đó vùi tại rãnh chè để hạn chế cỏ mọc và giữ ẩm cho đất.

Đồng thời, sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây chè. Quy trình bón phân cũng thay đổi, từ việc bón vãi trên lá thì nay bà con đã cuốc hố để vùi phân trong đất, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ và hạn chế rửa trôi phân bón. Ngoài ra, bà con cũng đã đầu tư hệ thống tưới bằng van xoay để giảm chi phí về công lao động.

Trong quá trình chế biến, nhiều hộ sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng điện và máy hút chân không để bảo quản sản phẩm chè giữ nguyên hương vị đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới chiếm hơn 70%.

Đẩy mạnh sản xuất chè vụ Đông đang là mục tiêu Thái Nguyên hướng tới, đây cũng là một trong những định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh

Nếu như trước đây, chè chính vụ thường kết thúc vào cuối tháng 9, thì nay do chăm sóc tốt, nhiều diện tích chè vụ đông ở Thái Nguyên vẫn cho thu hoạch. Theo người dân địa phương, 1 lứa chè chính vụ chỉ sau 30-35 ngày là được thu hái nhưng chè vụ đông phải mất 40-45 ngày. Bù lại, chè vụ Đông ít sâu bệnh, có hương vị đặc biệt. Với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/1kg, cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với chè chính vụ, sản xuất chè vụ Đông đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Ở nhiều xã vùng chè trong tỉnh Thái Nguyên như: Văn Hán (Đồng Hỷ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công (T.X Phổ Yên)…, chè vụ Đông cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đặc biệt là nếu như trước đây, chỉ những diện tích gần sông, suối, ao hồ người dân mới tập trung làm chè vụ đông thì nay bà con đã chủ động khoan giếng, đào bể tích trữ nước để tưới chè.

Làm chè vụ Đông, đòi hỏi phải đầu tư hệ thống tưới nước và mất nhiều công chăm sóc nhưng có ưu điểm là mùa đông chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng chè thường ngon hơn, bán được giá hơn
Làm chè vụ Đông có ưu điểm cây chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng chè thường ngon hơn, bán được giá cao hơn
Nói về kỹ thuật chăm sóc chè vụ Đông, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo, sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng vào tháng 8, bà con tiến hành đốn chè, dọn dẹp vệ sinh cỏ dại, tỉa bớt cành lá và tạo tán.

Nhằm hạn chế sâu bệnh, bà con phun thuốc lên tán và tập trung bón phân, tưới nước để chè nhanh ra búp. Đối với các hộ sống cạnh ao, hồ, sông, suối thì tận dụng nguồn nước tưới tự nhiên. Đối với các hộ không tiện nguồn nước thì tự khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới chè.

Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại, bà con cần thực hiện trồng và chăm sóc chè đúng kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây chè phát triển, đồng thời cải tạo đất. Đặc biệt, bà con cần lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tuân thủ đúng thời gian cách ly để đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc người dân tận dụng các điều kiện để sản xuất chè vụ Đông đã góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời, đảm bảo cung cấp hàng hóa cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để tạo điều kiện cho bà con thúc đẩy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Sản xuất chè vụ Đông - chìa khóa để nâng cao thu nhập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023