0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 01/02/2021 09:04 (GMT+7)

Không khí Hà Nội ô nhiễm 'đỏ rực' trong hai ngày cuối tuần

Trong hai ngày cuối tuần, chất lượng không khí Hà Nội ghi nhận mức xấu với toàn bộ các điểm đo ở ngưỡng xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-200, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người).

Đặc biệt, trong ngày 31/1, Hà Nội có mưa nhỏ, mưa phùn nhưng lớp sương mù ngày càng dày bao phủ Hà Nội khiến khói bụi lơ lửng, không phân tán được ra ngoài nên ô nhiễm càng nặng.

Cụ thể, trong sáng 31/1, nhiều điểm đo đã xấp xỉ ngưỡng rất xấu như điểm đo tại 57 Trần Hưng Đạo, điểm đo Công an phường Hàng Mã, điểm đo Phạm Văn Đồng.

Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng xấu ở đồng thời hai thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội. Trang thông tin này dự báo chất lượng không khí Hà Nội sẽ còn ở ngưỡng xấu và rất xấu trong nhiều ngày tới, trong khi TP.HCM cũng duy trì chất lượng không khí ở ngưỡng kém trong nhiều ngày.

Ô nhiễm ở Hà Nội ở ngưỡng xấu, rất xấu. (Ảnh minh họa: Internet)

Hệ thống quan trắc của PAM Air với mạng lưới phủ dày cả nước ghi nhận ô nhiễm không khí tại các vùng gồm thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung Bộ và TP.HCM. Đáng lưu ý, những nơi ô nhiễm nhất lại không phải thủ đô Hà Nội mà ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ - những tỉnh có nhiều nhà máy, khu công nghiệp cũ.

PAM Air ghi nhận ô nhiễm ở Hà Nội ở ngưỡng xấu, rất xấu với một số điểm đo có chỉ số AQI lên đến trên 200. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ các điểm đo phổ biến ở ngưỡng rất xấu đến nguy hại (nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người).

Lúc 17h ngày 31/1, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận các điểm màu đỏ ở các điểm quan trắc đã nâng mức chỉ số chất lượng không khí lên cao hơn, từ 152 thấp nhất lên phần lớn trên 170, có hại cho sức khỏe của con người.

Các chuyên gia nhận định với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài nhiều ngày tới. Người dân cần hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, tham gia giao thông, trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn, đóng cửa chính và cửa ra vào. Những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, trẻ em và người già nên ở trong nhà.

Những nghiên cứu sớm nhất của GS Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã tồn tại từ lâu. Chỉ là chúng ta không thể “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, lưỡi nếm” như các loại ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước nghiêm trọng khác khiến mọi người ít ý thức về vấn đề này.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường INEST, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Bụi PM 2.5 và bụi nano có thể đi vào phổi, vào máu và đi khắp cơ thể, do vậy mức độ quan tâm về ô nhiễm các loại bụi này đang ngày càng tăng.

Theo PGS Nghiêm Trung Dũng, chừng nào chúng ta chưa xác định được nguồn thải chính, chừng đó công tác phòng chống ô nhiễm còn gian truân bởi không thể “bắt được đúng bệnh”. Ông cũng nhấn mạnh một trong những lý do vì số lượng các nghiên cứu còn rất mỏng, cả về thời gian lẫn số lượng các địa điểm được đo đạc.

Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng cho biết việc kiểm kê phát thải là việc làm định kỳ trong khoảng 3 - 5 năm, xem xét mỗi nguồn phát thải đóng góp bao nhiêu phần trăm. Để làm được điều đó, rất tốn kém để tiến hành lấy số liệu, đo đạc.

Còn GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định: hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Chỉ cần diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch.

Tuy nhiên, việc loại bỏ xe hết hạn sử dụng có góp phần cải thiện không khí Hà Nội? Chúng ta cần lưu ý vấn đề gì khi xử lý xe hết hạn sử dụng, khi nó đang là công cụ mưu sinh của người lao động thu nhập thấp?

Trả lời câu hỏi, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng để biết nên loại bỏ như thế nào thì phải nghiên cứu rất kĩ để đảm bảo quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, ông ủng hộ giải pháp thay thế, hỗ trợ kinh tế. Nếu chúng ta tăng số lượng xe công cộng, cải thiện dịch vụ, có trợ giá, thì người dân sẽ chuyển sang đi xe công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang các loại xe có tiêu chuẩn khí thải cao hơn như EURO 4.

Song theo TS Hoàng Dương Tùng thì không ai có thể thu hồi xe được, bởi không có khung pháp lý cho việc thu hồi tài sản cá nhân. Bất chấp những xe máy ấy dù đã rất cũ, gây ô nhiễm, nhưng chúng ta lại không có quy định để định nghĩa thế nào là xe thải bỏ, không được lưu hành. Nhưng bằng cách tiếp cận khác có thể hạn chế được việc lưu hành các loại xe này, chẳng hạn như đặt ra tiêu chuẩn khí thải để cho phép xe được chạy trên đường.

Ông cho rằng chính quyền nên có quy định kiểm tra khí thải, niên hạn sử dụng xe máy. Nếu công bố mức kiểm tra khí thải 50.000 đồng/năm thì người nghèo có thể vẫn sẽ chi trả được. Đây là điều mà TP.HCM đang bắt đầu triển khai từ năm 2020.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Không khí Hà Nội ô nhiễm 'đỏ rực' trong hai ngày cuối tuần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới