0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 08/03/2021 08:05 (GMT+7)

Hà Tĩnh: Ai đứng sau đường dây khai thác trái phép đá bạc gây ô nhiễm môi trường?

Đá bạc được khai thác trái phép trong núi rồi đưa về bãi tập kết tại thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) để xay nhỏ, đóng bao rồi vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Trong quá trình tác nghiệp và phát hiện đường dây khai thác trái phép đá bạc (đá thạch anh) tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), nhóm Phóng viên không khỏi bất ngờ vì cách thức hoạt động rầm rộ, tinh vi của “khoáng tặc” nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Xay nhỏ, đóng bao đưa đi tiêu thụ

Hàng chục xe tải (trọng tải khoảng 8 khối) nối đuôi nhau chờ “ăn hàng” tại các điểm khai thác đá, nằm sâu trong núi ở huyện Kỳ Anh để chở về bãi tập kết tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 1/3, xe tải mang BKS 38C – 101.09, 38C – 098.39, 24C – 046.20, 38C – 070.39… có mặt tại điểm khai thác đá bạc trái phép tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh để “ăn hàng”. Sau đó, chúng chạy về bãi tập kết tại phường Kỳ Long.

Xe tải mang BKS 38C – 151.64 chở theo đá bạc về tại bãi tập kết ở phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Tiến Đạt)

Quy trình trên được lặp đi lặp lại. Sáng 2/3, chúng tôi tiếp tục ghi nhận xe tải mang BKS 38C – 151.64 đang vào lấy hàng tại khu vực nói trên. Bám theo chiếc xe tải này, nhóm Phóng viên được dẫn đến một bãi tập kết đá nằm sâu trong núi tại phường Kỳ Long.

Thạch anh là một khoáng vật, là thành phần của rất nhiều loại đá, khoáng sản, quặng. Các yếu tố phân tử như sắt, nhôm, magiê, titan, hydro, và các nguyên tử kiềm nhỏ lithium và natri cộng hưởng dưới nhiệt độ biến đổi cấu trúc silicon oxy (SiO2) có thể là nguyên nhân khiến cho thạch anh tồn tại trong tự nhiên dưới nhiều biến thể và màu sắc khác nhau.

Địa điểm tập kết khoáng sản lậu có địa hình hiểm trở, người canh gác 24/24h, không cho người lạ vào. Tuy nhiên, dù đứng cách xa bãi khoảng 500 m, chúng tôi vẫn nghe tiếng máy nổ chạy ầm ầm nghiền đá phát từ bãi tập kết ra.

Đá được xay nhỏ rồi đưa đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. (Ảnh: Tiến Đạt)

Sau hai ngày tìm cách tiếp cận bãi tập kết đá này, đến sáng 5/3, nhóm phóng viên cũng ghi nhận được hình ảnh các công nhân, máy móc đang cật lực làm việc trong khu chế biến quặng trái phép để đưa sản phẩm đá bạc đi tiêu thụ.

Nhiều bì tải đựng đá bạc sau khi xay nhỏ trong bãi tập kết thuộc Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp và thương mại Xuân Hồng quản lý. (Ảnh: Tiến Đạt)

Cụ thể, đá bạc sau khi được chở từ trong núi về bãi tập kết sẽ được xay nhỏ, đóng bì (1 tấn/bao), rồi vận chuyển ra miền Bắc để tiêu thụ. Đáng nói, nhằm che mắt lực lượng CSGT, chủ hàng sử dụng các xe đầu kéo, kéo theo rơ móc kín, lồng cao chở đầy đá, rồi chờ đến đêm mới xuất phát từ bãi đi các tỉnh miền Bắc tiêu thụ.

"Làm cho ông Hồng?"

Trong vai là một thương gia có nhu cầu mua đá bạc, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tiếp cận được một người đàn ông tên T. (tại huyện Kỳ Anh).

Trao đổi qua điên thoại, T. cho biết tại điểm khai thác đá bạc của anh này đang làm, mỗi ngày khai thác được khoảng 15 xe tải, mỗi xe 10 khối. “Anh làm đây là làm cho ông Hồng. Ông ấy bỏ vốn cho làm, làm ăn theo khối lượng, nếu bán được ở đâu hơn thì cứ bán, mọi thứ ông Hồng lo”, anh T. nói.

Đá bạc sau khi xay nhỏ. (Ảnh: Tiến Đạt)

Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, bãi tập kết đá nói trên tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, thuộc quản lý của Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp và thương mại Xuân Hồng. Có trụ sở đặt tại Tổ dân phố 3, phương Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), do ông Phan Xuân Hồng làm người đại diện pháp luật.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, những vị trí mà Phóng viên Kinh tế Môi trường phản ánh trên địa bàn chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác đá bạc, đơn vị cũng đã có chỉ đạo theo dõi, xử lý những trường hợp vi phạm.

Tiến sĩ Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho rằng, các văn bản xử lý vi hành chính trong các luật chuyên ngành cũng đã có ở mức phạt khá cao nhưng không đủ tính răn đe. Không khó để phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng có thể có sự đi đêm với nhau giữa cơ quan quản lý và các đối tượng hoạt động trái phép, cho nên việc quản lý khoáng sản cần tập trung vào một đầu mối.

PV sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: Ai đứng sau đường dây khai thác trái phép đá bạc gây ô nhiễm môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới