0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 05/04/2021 07:10 (GMT+7)

Ấn Độ: Biến không khí ô nhiễm thành gạch ngói xây dựng

Một công ty Ấn Độ đã nghiên cứu lấy carbon tinh khiết từ không khí ô nhiễm để sản xuất gạch ngói xây dựng.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 thế giới

Theo Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu năm 2020 của Viện Ảnh hưởng sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và đánh giá sức khoẻ (IHME) tại ĐH Washington và ĐH British Columbia, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019.

Cũng theo báo cáo, ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái Đất. Trong khi thế giới đang ráo riết tìm kiếm vaccine để dập đại dịch Covid-19, ô nhiễm không khí tiếp tục khiến hàng tỉ người toàn cầu giảm thọ và ốm yếu hơn. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch Covid-19. Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan và tuổi thọ trung bình của những người dân nước này sẽ giảm 5 năm do họ phải sống trong không khí ô nhiễm cao hơn 44% so với 20 năm trước.

Ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ đang ở mức báo động.

Đáng chú ý, Ấn Độ có số ca tử vong do ô nhiễm không khí cao ở mức đáng báo động, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm, độc hại tại quốc gia châu Á này.

Theo báo cáo trên, năm 2017, Ấn Độ có 1,24 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí, chiếm 12,5% trong tổng số ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong do không khí độc hại tại Ấn Độ trong năm 2019 cao hơn năm 2017 tới 30%. Không khí bao trùm các thành phố Ấn Độ thường chứa lượng bụi mịn cao ở mức nguy hiểm (còn gọi là PM2.5), có liên quan tới bệnh phổi và bệnh tim, đồng thời ảnh hưởng tới chức năng nhận thức và miễn dịch.

Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí IQAir, 3 thành phố lớn của Ấn Độ gồm New Delhi, Kolkata và Mumbai nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, Thủ đô New Delhi được coi là thành phố ô nhiễm nhất. Năm 2019, New Delhi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp sau khi lượng khói mù cao kỷ lục. Ngoài ra, chất lượng không khí của thành phố này cũng cao gấp 20 lần so với mức "an toàn" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.

Lấy carbon tinh khiết từ không khí ô nhiễm để sản xuất gạch

Là đất nước có không khí ô nhiễm nhất hành tinh với 21/30 thành phố có chỉ số không khí độc hại khiến hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm, Ấn Độ đang từng bước cải thiện môi trường.

Nguyên nhân một phần do Ấn Độ là nhà sản xuất gạch lớn thứ hai trên thế giới. Các lò gạch chiếm 20% lượng phát thải carbon đen trên toàn cầu, góp phần đáng kể dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ. Để thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững và giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí, năm 2019, kiến trúc sư Tejas Sidnal đã quyết định thành lập Công ty Carbon Caraft Design, lọc carbon đen từ không khí ô nhiễm và tái chế để tạo ra gạch xây dựng đóng thủ công.

--



Để tạo ra gạch carbon, Carbon Craft Design hợp tác với Graviky Labs, công ty Ấn Độ từng tạo ra "Air Ink", công nghệ thu muội than từ xe hơi và nhà máy, sau đó biến đổi thành mực và sơn. Graviky Labs sử dụng một thiết bị lọc để hút muội than từ khí thải diesel và những nơi đốt nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ chất gây ô nhiễm như kim loại nặng và bụi, sau đó cung cấp carbon tinh khiết cho Carbon Craft Design dưới dạng bột.

Carbon Craft Design trộn carbon với xi măng và đá cẩm thạch thải từ các mỏ đá để tạo ra gạch ngói đơn sắc. Công ty hướng tới mục tiêu mỗi viên gạch ngói chứa ít nhất 70% chất thải. Hiện nay, Carbon Craft Design đang bán gạch ngói cho những kỹ sư và nhà bán lẻ. Sau khi mở rộng quy mô sản xuất, Sidnal hy vọng có thể hạ thấp giá thành và tạo ra dòng gạch carbon giá rẻ hơn.

Được biết, trong bụi mịn PM2.5 bao gồm carbon đen, hợp chất có thể hấp thụ năng lượng từ Mặt Trời nhiều gấp một triệu lần carbon dioxide khi ở trong khí quyển vài ngày hoặc vài tuần. Giảm chất gây ô nhiễm như carbon đen có thể giúp làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu và cải thiện chất lượng không khí. Nhiều công ty đang tìm hiểu tiềm năng thương mại từ việc thu khí thải carbon, nhưng rất ít nơi tập trung vào carbon đen, theo Sidnal.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ: Biến không khí ô nhiễm thành gạch ngói xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới