0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 04/08/2020 14:54 (GMT+7)

Mắc ca Việt Nam rộng đường phát triển

Hiện mắc ca là cây trồng duy nhất ở Việt Nam có một ngân hàng cung ứng vốn và một Hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm.

Cây mắc ca vào Việt Nam từ năm 1994 nhưng phải vài năm trở lại đây mới bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định. Vì thể, cây mắc ca đang dần trở thành vấn đề đáng chú ý trong ngành nông nghiệp về bài toán kinh tế và hướng phát triển.

Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Huy chia sẻ: Đến nay đã có 23 tỉnh trồng mắc ca với diện tích khoảng 16.400 ha. Trong đó 65 ha thuộc các đề tài nghiên cứu, 480 ha thuộc dự án khuyến lâm; 7.500 ha của doanh nghiệp, 8.355 ha của dân tự trồng. Năm 2020 dự ước sản lượng thu hoạch đạt khoảng 5.300 tấn hạt tươi. Trong đó, Đắk Lắk 2.030 tấn, Lâm Đồng 1.850 tấn, Đắk Nông 780 tấn, Sơn La 220 tấn, Lai Châu 164 tấn, các tỉnh còn lại khoảng 260 tấn.

Cây mắc ca sinh trưởng tốt tại Việt Nam

Về phương thức trồng mắc ca, hiện nay Việt Nam có 2 phương thức trồng chủ yếu là trồng thuần: Trồng các dòng giống khác nhau của loài mắc ca trên diện tích đất trống hoặc trên đất phá bỏ các loài cây công nghiệp đã già cỗi, kém hiệu quả kinh tế như cà phê, điều, cao su... Hoặc trên đất cây nông nghiệp ngắn ngày trên vùng đồi, thoát nước có khả năng trồng được mắc ca. Như tại vùng Tây Nguyên chủ yếu là diện tích rừng, các diện tích còn lại chủ yếu đã trồng cây nông nghiệp, công nghiệp nên diện tích trồng mới thuần loài mắc ca khá ít với 16/58 mô hình (chiếm 27%).

Phương thức thứ hai là trồng xen canh với các loài cây hiện có cần được che bóng. Các loài cây hiện có có thể xen canh được với cây mắc ca gồm: Cây cà phê (chủ yếu), chè, tiêu và cây ăn quả, ngoài ra còn xen canh với cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn ngày. Đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, người dân rất ưa thích trồng cây mắc ca với cây cà phê chè hoặc cà phê vối. Kết quả điều tra của nhóm xây dựng đề án quy hoạch phát triển Mắc ca vùng Tây Nguyên ghi nhận được 41/58 (chiếm 71%) mô hình trồng xen mắc ca.

Bên cạnh hai phương thức trồng nêu trên, người dân còn trồng phân tán ven đường, ven nương rẫy và xung quanh nhà. Kết quả điều tra ở Tây Nguyên có 1/58 mô hình (chiếm 2%). Cây trồng phân tán thường khỏe mạnh, xum xuê và cho năng suất cao hơn.

Hạt mắc ca nổi tiếng thơm ngon

Sản phẩm mắc ca được các cơ sở chế biến thu mua, chế biến và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước. Hiện cả nước có 12 cơ sở chế biến công nghiệp và một số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình, có công suất đủ để chế biến sản lượng sản xuất ra hàng năm.
Hạt mắc ca không chỉ nổi danh nhờ vị ngon đặc biệt, hạt Mắc ca còn được biết đến như một siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng hàng đầu, trong đó điển hình như vitamin B6, Canxi, Mangan, Magie, Sắt, Photpho, Kẽm,...hỗ trợ phòng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, giúp giảm cân, làm đẹp. Hàm lượng Omega 3,6,9 trong hạt Mắc ca siêu cao, rất có lợi cho bà bầu và trẻ nhỏ. Cứ 100g hạt Mắc ca sẽ cung cấp cho cơ thể 718 calo, cao hơn bất kỳ loại hạt khô nào có mặt hiện nay.

Theo đánh giá của những người đã trồng mắc ca thì đây là cây trồng duy nhất hiện nay ở Việt Nam có một ngân hàng cung ứng vốn và một Hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm. Chính sự đồng hành trách nhiệm của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, các doanh nghiệp và chuyên gia đã góp phần thúc đẩy phát triển mạnh ngành hàng có giá trị này.

Mới đây, ngày 16/11/2018, Bộ NN&PTNT ban hành thông tư “Quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính”, trong đó có cây mắc ca để quản lý theo chuỗi hành trình về giống.

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, từ các Quyết định của Chính phủ và của Bộ NN&PTNT cho thấy tính pháp lý, tiềm năng, triển vọng của mắc ca đối với điều kiện phát triển ở Việt Nam là rất lớn.

Qua thực tiễn phát triển mắc ca ở Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca cho rằng, phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà. Nhà nước tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển, nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất, nhà đầu tư cung cấp vốn đầu tư, công nghệ thu mua, chế biến và kết nối thị trường, nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết các nhà.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Mắc ca Việt Nam rộng đường phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới