0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 30/09/2020 06:59 (GMT+7)

Bắc Giang lên kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021

Bắc Giang lên kế hoạch mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ nguyên diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGAP ở những diện tích đã được cấp mã vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại của mùa vụ năm 2020, sớm xây dựng kế hoạch sản xuất cho mùa vụ năm 2021; duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.000 ha.

Bên cạnh đó, Bắc Giang lên kế hoạch mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ nguyên diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGAP ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, sản xuất vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, coi đây là định hướng cho quả vải những năm tiếp theo.

UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho quả vải và các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường theo tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 6336/VPCPKTTH ngày 04/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.

ds

Vải Bắc Giang là sản phẩm chủ lực của tỉnh


Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, các loại thuốc cấm không được sử dụng.

Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính và tiềm năng. Tham mưu với UBND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm kéo dài thời vụ, nâng cao giá trị kinh tế.

Sở Công thương thực hiện đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể. Tăng cường công tác xúc tiến theo hướng xã hội hóa, kết hợp giữa nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, các doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện.

Bám sát các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực để tham mưu với UBND tỉnh chương trình xúc tiến thương mại cụ thể cho từng thời điểm, từng thị trường, nhóm khách hàng.


fd

Bắc Giang lên kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021


Tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các cục, vụ, viện của Bộ Công thương để chủ động tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt là phát triển thị trường nội địa, tạo sức tiêu thụ ổn định, phấn đấu năm 2021 giữ ở mức tỷ trọng chiếm 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác.

UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là quy trình sản xuất an toàn VietGAP và GlobalGAP, phát triển mở rộng các vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng (trong đó chú trọng cho cây vải để đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang thị trường cao cấp Mỹ, Nhật Bản...).

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất; bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất cũng như an toàn cho sản phẩm. Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, tiếp tục bám sát Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh để phối hợp với các doanh nghiệp, các hợp tác xã chủ động triển khai đóng gói, bao bì, tem nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm, từng bước chủ động tổ chức xúc tiến và hướng tới xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Năm 2020, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt 164.700 tấn, tăng gần 15.000 tấn so với năm 2019 (tăng 9,8% so với năm 2019). Trong đó, vải chín sớm đạt 47.675 tấn (tăng 12% so với năm 2019), vải chính vụ đạt 117.025 tấn (tăng 10% so với năm 2019).

Tổng diện tích trồng vải toàn tỉnh năm 2020 duy trì đạt 28.126 ha, trong đó vải chín sớm khoảng 6.000 ha, chiếm 21,33%; vải thiều chính vụ khoảng 22.126 ha, chiếm 78,67%; diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap khoảng 15.000 ha, chiếm 53,33%; diện tích sản xuất sang thị trường Trung Quốc là 15.856 ha, chiếm 56,37%, với 149 mã số vùng trồng, 288 cơ sở đóng gói; diện tích sản xuất sang thị trường Nhật Bản là 103 ha, với 19 mã vùng trồng; diện tích sản xuất sang thị trường EU, Mỹ, Úc… tiếp tục duy trì là 218 ha - được Mỹ cấp mã số IRADS (18 mã số vườn) với 394 hộ sản xuất, tập trung tại huyện Lục Ngạn.

Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa đạt khoảng 86.500 tấn, chiếm khoảng 52,5% tổng sản lượng tiêu thụ (tăng 22,8% so với năm 2019). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, những tỉnh, thành phố tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị như: Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TPHCM, Dầu Giây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng...) và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.

Tổng sản lượng xuất khẩu ước đạt 78.200 tấn, chiếm khoảng 47,5% tổng sản lượng tiêu thụ (giảm 1,7% so với năm 2019). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông,… Trong đó, thị trường Trung Quốc ước đạt 77.300 tấn, chiếm 98,8 %; các thị trường còn lại ước đạt 900 tấn, chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu.

Năm 2020, tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.830 tỷ đồng (tăng gần 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,3% so với năm 2019), trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt 5.140 tỷ (tăng hơn 7,8% so với năm 2019), doanh thu từ các hoạt động phụ trợ ước đạt 1.690 tỷ (tăng hơn 5,9% so với năm 2019). Giá bán bình quân đạt 31.200 đồng/kg.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang lên kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới