0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 17/06/2020 07:31 (GMT+7)

Cá tra loay hoay 'tìm cửa' thị trường nội địa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh.

Ước tính tổng xuất khẩu hải sản đến cuối tháng 5/2020 đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm trên 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh cá ngừ (-18%) và mực bạch tuộc (-19%), các sản phẩm hải sản khác vẫn tăng nhẹ (cá biển khác tăng gần 5%).

Mặt hàng cá tra có kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… đều có sự giảm mạnh với mức hai con số.


sf

Việc chinh phục thị trường nội địa nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu.

Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua chững ở mức thấp.


Mới đây, trong Hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay được tổ chức tại An Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thị trường nội địa 100 triệu dân này mới là thị trường bền vững lâu dài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường nội địa nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đinh Tuấn Giang - Trưởng phòng kinh doanh giống thủy sản HTX Sản xuất và thương mại Xuyên Việt, việc đưa cá tra từ Nam ra Bắc gây nuôi để bán cá tra tươi sống hiện nay còn vướng. Người tiêu dùng miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa quen với sản phẩm cá tra, đầu ra của HTX chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng với các đơn hàng cụ thể.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, nguyên nhân ở khâu truyền thông, xây dựng kênh phân phối. Trong khi các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí thời gian, tiền bạc để mở cửa thị trường xuất khẩu thì tiềm năng thị trường nội địa với gần 100 triệu dân lại chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

ff

Thị trường nội địa 100 triệu dân này mới là thị trường bền vững lâu dài


Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra mang giá trị gia tăng, từ cá tra đã làm ra khoảng 85 sản phẩm. Cùng với việc kết nối sản xuất - tiêu thụ, đưa cá tra vào kênh phân phối, chuỗi siêu thị…, các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu thị trường vùng miền, đưa ra các mặt hàng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thuyết phục người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, sạch, giá phải chăng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Cá tra loay hoay 'tìm cửa' thị trường nội địa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới