0915 15 67 76 [email protected]

Sản phẩm gạo Séng Cù được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát”

Gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00098; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Lúa Séng Cù thuộc nhóm lúa thuần thơm của Trung Quốc được du nhập tỉnh Lào Cai bằng con đường tự trao đổi của nhân dân. Giống lúa này thường gọi là Séng Cù, tên địa phương Trung Quốc là Sừ Ly Séng, tên khoa học là Đồn Điền 502. Lúa Séng Cù được gieo cấy tại Lào Cai từ năm 1998, gạo Séng Cù trở nên đặc biệt thơm ngon khi trồng tại Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Simacai. Những địa điểm này có điều kiện tự nhiên như độ cao từ 500 - 1.400 m, nhiệt độ thấp, trung bình 20 - 25oC và biên độ nhiệt ngày đêm lớn, ngày nắng đêm có sương mù.

Đến nay, giống lúa này đã trở thành lúa đặc sản của tỉnh Lào Cai và toàn vùng Tây Bắc, có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua quá trình canh tác tại Lào Cai cây lúa Séng Cù đã bộc lộ nhiều đặc tính nổi trội như rất phù hợp với điều kiện tự nhiên đất đai của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của nhân dân.

Gạo Séng Cù là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc: Mông, Thái, Dao đỏ, Nùng,... trên vùng đất Tây Bắc, gạo Séng Cù được trồng tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên,... Trong đó, gạo Séng Cù ở huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà, huyện Simacai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được đánh giá là ngon nhất, nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao.

Gạo Séng Cù không những thơm ngon tự nhiên mà còn có hàm lượng Vitamin cao gấp hơn 3 lần so với gạo thông thường Ưu điểm nổi bật nhất của loại gạo này là hạt to, mập, rất thơm, cơm ngọt đậm, dẻo và giòn ngay cả khi đã nguội. Gạo séng cù chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin B1, B3, B6, E, protein, lipid…
Gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” có được chất lượng như vậy cũng là nhờ kinh nghiệm trồng trọt của người dân địa phương. Người dân biết nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ để nâng cao năng suất và chất lượng gạo Séng Cù. Người dân biết chủ động trong việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, hạn chế được rủi ro trong canh tác, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật đã giúp cho gạo Séng Cù nơi đây có mức độ an toàn cao.

Năm 2016, gạo Séng Cù trồng tại huyện Bát Xát được Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016 và năm 2017, gạo Séng Cù tỉnh Lào Cai được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp.

Những năm gần đây, các huyện trồng lúa Séng Cù tại Lào Cai áp dụng nhiều chính sách phát triển giống gạo đặc sản này. Cụ thể, người dân thực hiện canh tác tập trung, cánh đồng một giống, sử dụng phân bón vi sinh… để đem lại thêm thu nhập kinh tế cao.

Cùng với đó, phương thức sản xuất tập trung và hệ thống xay xát, sấy hiện đại được áp dụng. Lúa Séng Cù khi sấy còn 14-15 % ẩm có thể bảo quản được hàng năm, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho loại gạo đặc sản.

Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Sản phẩm gạo Séng Cù được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.