0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 03/08/2020 13:50 (GMT+7)

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai sót tại dự án của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia

Cuối năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót tại Dự án đường dây 500kV do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư.

Vốn trên 5.330 tỷ, sai sót hơn 500 tỷ đồng

Dự án đường dây 500kV Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên (Dự án) được phê duyệt đầu tư theo Quyết định 1695/QĐ-EVNNPT ngày 17/12/2013 của EVNNPT.

Chủ đầu tư Dự án là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Nam (SPMB), đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3.

Dự án gồm các hạng mục chính sau: i) Phần đường dây: xây dựng đường dây 500kV, mạch kép, chiều dài 243km, từ sân phân phối 500kV của trạm biến áp (TBA) 500kV Vĩnh Tân đến cột rẽ nhánh (vị trí G1-03) của Đường dây 500kV Sông Mây - Tân Uyên; ii) Phần mở rộng ngăn lộ: lắp đặt thiết bị cho 02 ngăn lộ đường dây 500kV (ngăn B07 và B09) tại TBA 500kV Vĩnh Tân.

Đường dây đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu xây dựng nhằm góp phần giải phóng công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện Quốc gia.

Dự án có tổng nguồn vốn hơn 5.333 tỷ đồng do EVNNPT huy động và vốn vay thương mại NEXI (bảo lãnh chính phủ).

2. EVNNPT

Ông Trương Hữu Thành, Giám đốc SPMB báo cáo tình hình thực hiện các dự án do SPMB quản lí. (Ảnh: internet) 

Ngày 26/8/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có Quyết định số 1490/QĐ-KTNN Kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án. Thời gian kiểm toán từ 4/9/2019 - 28/10/2019. Ngày 6/12/2019, KTNN có văn bản số 582/KTNN-TH gửi Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia kèm theo Báo cáo kiểm toán. Theo nội dung báo cáo, quá trình thực hiện Dự án đã xảy ra nhiều tồn tại và sai sót ở hầu hết các khâu. Cụ thể:

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo chỉ rõ: Trong công tác khảo sát, vạch tuyến chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải khảo sát bổ sung đoạn tránh khu công nghiệp DOFICO và đoạn đầu nối vào Đường dây 500kV – Tân Uyên với giá trị 2,958 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, EVNNPT phê duyệt dự án khi nguồn vốn của Dự án chỉ mới nêu dự kiến nguồn vốn, phương án tài chính là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

EVNNPT phê duyệt đầu tư dự án trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh là chưa phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 và Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ.

Đặc biệt, khi lập tổng mức đầu tư, đơn vị đang xác định chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá (2014 - 2018) là 28,05% dựa trên chỉ số giá xây dựng của TPHCM là chưa đúng với địa bàn xây dựng công trình. Sau khi tính lại, tổng mức đầu tư công trình giảm hơn 411 tỷ đồng (dự phòng cho yếu tố trượt giá là 15,75%).

Về công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế và dự toán, đơn vị còn tính sai một số nội dung, làm tăng dự toán các gói thầu (Gói thầu số 03, 04, 07). Đặc biệt, gói thầu số 07 (xây lắp đường dây), dự toán gói thầu tính sai hơn 46 tỷ đồng. Gói thầu số 03 có dự toán trọng lượng thép cột tính toán bao gồm khối lượng mạ kẽm là chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Công Thương với giá trị là hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ sai sót trong công tác lựa chọn nhà thầu, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng… đều có những sai sót lên tới tiền tỷ.

KTNN kiến nghị xử lý sai sót

Trước những sai sót được nêu, KTNN đã kiến nghị cụ thể đối với từng đơn vị liên quan. Cụ thể, đối với Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Nam cần điều chỉnh sổ sách kế toán, báo cáo quyết toán theo ý kiến kết luận của KTNN.

2. EVNNPT

Báo cáo kiểm toán Dự án đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên.

Xử lý về tài chính theo kết quả kiểm toán chi phí đầu tư điều chỉnh giảm số thuế giá trị tăng đầu vào tương ứng giá trị chi phí đầu tư giảm trừ qua công tác kiểm toán đối với các gói thầu số tiền 1,629 tỷ đồng. Ngoài ra, có 9,993 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán; Chấn chỉnh công tác quản lý dự án, đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư căn cứ vào phụ lục hợp đồng đã ký kết để giảm trừ giá trị thanh quyết toán, đồng thời giảm thuế GTGT được khấu trừ tương ứng tại gói thầu số 07.

Đặc biệt, Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể còn để xảy ra tồn tại, thiếu sót trong công tác lập trình tổng mức đầu tư, lập trình thẩm định dự toán các gói thầu (gói thầu số 03, 04, 07) chưa đúng quy định; Nghiệm thu thanh quyết toán các khối lượng hoàn thành chưa phù hợp với khối lượng thực tế thi công và các đường dẫn của EVNNPT.

Đối với chủ đầu tư – Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia - KTNN kiến nghị chỉ đạo Ban QLDA và các bộ phận thực hiện đầy đủ các kiến nghị của KTNN; Kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm của Chủ đầu tư còn để xảy ra thiếu xót, tồn tại trong công tác thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư dự toán gói thầu số 03, 04, 07 chưa đúng quy định.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, KTNN đề nghị chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban QLDA các công trình điện Miền Nam thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận kiến nghị của KTNN; Báo cáo kết quả thực hiện gửi về KTNN trước ngày 31/3/2020.

KTNN đặc biệt nhấn mạnh, trong báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiến nghị của kiểm toán cần nêu rõ: Những kiến nghị đã thực hiện được, kiến nghị đang thực hiện, kiến nghị chưa thực hiện.

Chưa biết, việc EVNNPT và SPMB thực hiện kết luận kiến nghị KTNN ra sao, nhưng trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan cũng cần phải làm rõ.

Được biết, hiện ông Nguyễn Tuấn Tùng là Tổng Giám đốc EVNNPT và ông Trương Hữu Thành là Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai sót tại dự án của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới