0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 15/10/2020 19:34 (GMT+7)

Sáng chế của người Việt còn 'khan hiếm': Khó khăn do đâu?

Nếu so với mặt bằng chung của thế giới thì những sáng chế, phát minh của các doanh nghiệp Việt còn khá khan hiếm.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, số phát minh, sáng chế của Việt Nam trong vài chục năm qua cũng chưa bằng số phát minh, sáng chế mà một doanh nghiệp nước ngoài đang sở hữu là Facebook. Lượng phát minh, sáng chế của Việt Nam chỉ khoảng hơn 1.000, trong khi Facebook sở hữu hơn 1.400 phát minh, sáng chế.

Mới đây, trong Hội nghị “Bàn về giải pháp hoạt động khoa học và công nghệ điển hình sáng tạo hậu Covid -19”, ông Trần Tựu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (KHCN) cũng chia sẻ, doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều phát minh, chưa có nhiều nghiên cứu sáng tạo. Bình quân 500 nghiên cứu mới có được 1 phát minh.

Những khó khăn mà doanh nghiệp KHCN thường gặp phải nhất là nguồn lực về tài chính hạn chế và nhân lực chất lượng cao khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về các mục tiêu nghiên cứu khoa học, bởi nghiên cứu rất nhiều nhưng ứng dụng thực tế rất ít ỏi.

sang che cua nguoi viet

 Sáng chế của người Việt còn 'khan hiếm': Khó khăn do đâu?

“Trước hết, bản thân doanh nghiệp phải thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình với các nghiên cứu khoa học công nghệ. Các cơ quan quản lý cũng cần đồng hành sát sao cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có khó khăn gì, khó ở đâu thì cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn đó cùng họ”, ông Trần Tựu nói.

Cũng theo ông Tựu, các cơ quan quản lý cũng cần có những nguồn ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, vươn lên.

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trước khó khăn của doanh nghiệp thì Bộ KH&CN đã giảm 50% các loại lệ phí sở hữu công nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2020.

Đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN cũng đang miễn phí đăng ký các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn TCVN, tiêu chuẩn quốc tế… cho các lĩnh vực thiết bị y tế.

Hỗ trợ 100% các chi phí truy xuất nguồn gốc cho container đầu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc như thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, măng cụt…

“Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản về ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo. Thiết kế các gói vay dựa theo nhu cầu thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp”, ông Đích chia sẻ.

Theo ông Trần Giang Khuê, Quyền trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, tất cả các sản phẩm sở hữu trí tuệ sẽ tạo nên động lực để phát triển cho thương hiệu của doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ chính là công cụ, là biện pháp cần thiết để doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài.

“Cần vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Sở hữu trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp có công cụ bảo vệ, tránh những rủi ro khi kinh doanh. Cần phải khai thác tri thức sẵn có, tận dụng những cái mà thế giới đã có và tránh nghiên cứu trùng lặp để định hướng cho phát triển doanh nghiệp”, ông Khuê nói.

Cũng theo ông Khuê, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng, quảng bá thương hiệu từ những sản phẩm sở hữu trí tuệ của mình. Điều này có lợi ích hơn nhiều so với quảng cáo vài chục giây trên truyền hình và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các thông tin quốc tế một cách “nhạy bén”. Tiếp nhận các thông tin về sở hữu trí tuệ nói riêng và KHCN nói chung cũng như việc đổi mới sáng tạo trên thế giới để hội nhập dễ dàng. Và doanh nghiệp cũng cần đầu tư và chú ý hơn đến tài sản “vô hình” như tài sản trí tuệ, bởi chúng chiếm tỉ trọng rất lớn trong tài sản của doanh nghiệp.

Cũng liên quan tới sáng chế, tại diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”, nhà sáng chế nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã nêu một số ý kiến về hỗ trợ chính sách cho vấn đề sáng chế trong công nghệ.

Theo anh chia sẻ, các sản phẩm do anh sáng chế thật sự rất cần thiết với người nông dân, tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền đang gặp nhiều khó khăn.

Anh Hát bộc bạch thêm: "Hiện nay do thiếu thực tế nên nhiều người chế tạo ra các loại máy móc không phù hợp với điều kiện của người nông dân. Những nhà sáng chế không được đào tạo bài bản như chúng tôi với xuất phát điểm là nông dân, hiểu bà con cần gì, gặp phải khó khăn gì… nên máy móc chúng tôi chế tạo ra luôn được người nông dân đón nhận vì nó đáp ứng đúng nhu cầu thực tế”.

Anh Hát cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm anh đều được dựa trên các yêu tố tiên quyết như hữu dụng - có thể áp dụng trực tiếp trên thực địa; hiệu quả cao với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người làm nông Việt Nam.

Từ các yếu tố đó, các sáng chế của công ty anh đã gây dựng được uy tín không chỉ ở trong phạm vi đất nước ta mà còn vượt qua biên giới tới với những trang trại và mảnh đồng của rất nhiều nước khác.

Anh Hát khẳng định, điều cốt yếu ở các sáng chế mới không phải là nhận được một tấm bằng công nhận mà cái chính phải là tính ứng dụng và sự thiết thực của sản phẩm đối với hoạt động sản xuất thường ngày của nhà nông.

"Chúng tôi cần nguyên tắc mở, cần có quy trình, chính sách tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ, ngành để làm sao chúng tôi đăng ký bản quyền, tạo ra các sản phẩm hữu ích nhanh nhất cho bà con nông dân", anh Hát nói.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Sáng chế của người Việt còn 'khan hiếm': Khó khăn do đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới