0915 15 67 76 [email protected]

Na Chi Lăng làm thay đổi cuộc sống người dân Xứ Lạng

Người trồng na nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ mùa bội thu.

Chạy dọc theo Quốc lộ 1A tới huyện Chi Lăng - nơi được coi là thủ phủ của na xứ Lạng, nếu không để ý khách đi đường chỉ thấy vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu át đi màu đen của sườn núi đá tai mèo. Đó chính là màu lá của hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá.

Như một cuộc hẹn, hàng năm cứ vào khoảng giữa tháng 7, người trồng na ở huyện Chi Lăng lại nhộn nhịp, phấn khởi chuẩn bị nào thúng, nào sọt... bước vào vụ thu hoạch. Nghề trồng na ở xứ Lạng chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Tại đây người người trồng na, nhà nhà trồng na. Mỗi gia đình trung bình có 400 - 1.000 gốc, thậm chí hơn vài nghìn gốc.



Na Chi Lăng được trồng theo chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP


Na Chi Lăng nổi tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Na Chi Lăng khi chín mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường cao. Hiện nay na mới bắt đầu chín lác đác, trung bình 1 ngày người dân chỉ hái được 1 gánh na chín.

Vì số lượng na chín còn ít nên hiện chưa có thương lái thu mua tận vườn, người dân chủ yếu mang bán lẻ tại chợ, Giá của những quả na đầu mùa loại 1, quả to giao động 70.000-80.000 đồng/kg, còn quả trung bình cũng có giá 30.000-50.000 đồng/kg. Hàng năm tại đây có những hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ vào cây na. Nhờ những vạt na xanh ngắt trên dãy núi Cai Kinh mà cuộc sống người dân Chi Lăng khấm khá lên từng ngày.

Để có chất lượng na ngon và đảm bảo, người dân và các xã viên thuộc các HTX đều cam kết sản xuất na theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất na an toàn, được chính quyền địa phương tập huấn và giám sát về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân có nguồn gốc.

Ngoài ra, ngay từ đầu mùa nông dân đều đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone để bảo vệ quả tránh ruồi đục. Nhờ đó quả na đều đẹp, năng suất và chất lượng ngon hơn. Để giảm sức lao động khi phải gánh na từ vách, sườn núi cheo leo, nông dân ở đây sử dụng hệ thống ròng rọc để vận chuyển. Cách làm này đồng thời giúp cho trái na được bảo toàn về chất lượng.



Người dân thu hoạch na Chi Lăng trên dãy núi Cai Kinh.


Giờ đây người trồng na đã biết sử dụng phương pháp mới để tăng năng suất cây na, vào khoảng trung tuần tháng 11 sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây na, chỉ để cây cao khoảng 1,5 - 1,8 m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió; không tốn thức ăn để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung vào thân và cành cấp một.

Đặc biệt hiện nay sản phẩm na của bà con sẽ được dán bao bì, tem nhãn bao gói, truy xuất sản phẩm Na Chi Lăng. Các tổ hợp tác, Ban VietGAP, HTX sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tổ hợp tác sản xuất na an toàn được sử dụng tem nhãn này.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NNPTNT huyện Chi Lăng cho biết: Thời điểm hiện tại na đã bắt đầu chín, khu vực nào thời tiết nóng hơn thường quả na sẽ cho thu sớm hơn. Huyện Chi Lăng có thế mạnh về sản xuất na, tổng diện tích na toàn huyện hiện là 1.800 ha, trong đó có 1.650 ha đã cho thu hoạch. Năm nay, huyện Chi Lăng mở rộng thêm 50 ha diện tích trồng na VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm na của địa phương. Ước tính sản lượng na năm nay tăng thêm 500 tấn, nâng sản lượng vụ na năm nay trên toàn huyện lên 16.500 tấn, mang lại giá trị kinh tế khoảng 650 - 700 tỷ đồng.

Theo Ông Chung, sản phẩm na của Chi Lăng được đánh giá có chất lượng ngon, ngọt, tuy nhiên hiện tại đầu ra của loại nông sản này chủ yếu vẫn là thị trường trong nước. Chỉ 1/3 sản lượng na được xuất khẩu qua Trung Quốc tuy nhiên phải đi đường tiểu ngạch. Việc đàm phán, trao đổi thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm đưa sản phẩm na của địa phương xuất khẩu chính ngạch đang được triển khai. Nếu thành công thì sẽ góp phần nâng tầm giá trị quả na của địa phương, đồng thời quảng bá nông sản của Việt Nam.

Dịch Covid-19: Lễ hội Na Chi Lăng lần thứ 4 lỗi hẹn

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất không tổ chức Chương trình Khai mạc Lễ hội Na Chi Lăng lần thứ 4 gắn với đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Chi Lăng và tuần lễ Văn hóa, Du lịch, Thương mại huyện Chi Lăng năm 2020.

Ngày hội Na Chi Lăng được tổ chức hằng năm nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng ra thị trường trong và ngoài nước; là nơi kết nối giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý; thúc đẩy phong trào trồng na theo quy trình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo không tổ chức Chương trình Khai mạc Lễ hội Na Chi Lăng lần thứ 4 gắn với đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Chi Lăng và tuần lễ Văn hóa, Du lịch, Thương mại huyện Chi Lăng năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu: Đối với các hoạt động có liên quan khác, UBND huyện Chi Lăng chủ động xem xét, lựa chọn triển khai hợp lý, bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, đồng thời phù hợp với tình hình, diễn biến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, từ những năm 1990 đến nay, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, sự cộng tác giúp đỡ của các nhà khoa học, các xã vùng núi đá của hai huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng đã phát triển thành công vùng trồng na với tổng diện tích trên 3.000ha, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, giá trị đem lại gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, sản phẩm na Chi Lăng lọt vào tốp 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong tốp 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Na Chi Lăng làm thay đổi cuộc sống người dân Xứ Lạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới