0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 18/01/2021 13:37 (GMT+7)

Bình Định nói gì về sai lệch hồ sơ tại dự án điện mặt trời Phù Mỹ?

Dự án điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (trực thuộc BCG Energy) đầu tư vừa đưa vào khai thác thương mại.

Tháng 11/2020, tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn một số nội dung cần giải trình để phục vụ thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (để xây dựng dự án điện mặt trời Phù Mỹ).

Nội dung đáng chú ý đầu tiên là tên gọi của dự án sai khác với văn bản hồi tháng 4/2018 của Bộ Công Thương, văn bản 932/TTg-CN của Thủ tướng và không đúng với tên gọi "Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phú An – Mỹ Thắng" ghi trong Nghị quyết 98 ngày 27/7/2018 của Chính phủ.

Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ. Ảnh: Internet

Tỉnh Bình Định cho biết, diện tích đất thực hiện dự án điện mặt trời Phù Mỹ (ba nhà máy Phù Mỹ 1,2,3) của Công ty Cổ phần Tầm nhìn năng lượng sạch tại xã Mỹ Thắng, Mỹ An, huyện Phù Mỹ có trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Bình Định được Thủ tướng phê duyệt tại Nghị quyết 98 năm 2018 với diện tích 386,4 ha.

Tuy nhiên, do trong trình lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh, đơn vị tư vấn (Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Trung thuộc Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã ghi nhầm tên dự án là: Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phú An – Mỹ Thắng (tên đúng là Nhà máy điện năng lượng mặt trời Mỹ An – Mỹ Thắng).

UBND tỉnh khẳng định, huyện Phù Mỹ không có xã Phú An mà chỉ có xã Mỹ An. Xã Mỹ Thắng, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) đến nay chỉ có duy nhất dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, dự án điện mặt trời Phù Mỹ có trong danh mục các công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định năm 2020 được HĐND tỉnh thông qua hồi tháng 12/2019, có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Phù Mỹ và được UBND tỉnh duyệt tháng 4/2020. Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại xã Mỹ An, Mỹ Thắng của huyện Phù Mỹ.

Nội dung đáng chú ý tiếp theo là vấn đề chênh lệch diện tích đất rừng phòng hộ giữa Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ (186.973 ha) so với Quyết định 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh (diện tích 178.554,85 ha) phê duyệt kế quả rà soát, điều chỉnh ba loại rừng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030.

Tỉnh khẳng định, tổng diện tích ba loại rừng theo Quyết định 4854 của tỉnh và Nghị quyết 98 của Chính phủ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Định thì diện tích các loại rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất được đề xuất dựa trên cơ sở kết quả ba loại rừng tại Quyết định 2937/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND tỉnh.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hồi tháng 10/2015 về kế hoạch rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh ba loại rừng, giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 của tỉnh theo hướng dẫn của bộ. Sau đó, tỉnh trình bộ thẩm định kết quả.

Tới tháng 10/2018, Bộ có văn bản góp ý kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Tháng 12/2018, tỉnh đã ra quyết định 4854 phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh 3 loại rừng.

Trước đó, hồi tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Định đã gửi tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 155,09 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2 và Phù Mỹ 3.

Cụ thể, để xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 83,72 ha rừng để triển khai dự án này.

Đối với dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 2, UBND tỉnh này cũng đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 43,13 ha rừng để triển khai dự án.

Đối với dự án điện mặt trời Phù Mỹ 3, Bình Định cũng xin được chuyển mục đích sử dụng 28,29 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Cả 3 dự án này đã có phương án trồng rừng thay thế được chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 9/2020 và đều do Công ty Cổ phần phát triển năng lượng sạch (thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch khởi công xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày 29/5/2020.

Đây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 380 ha. Tổng công suất thiết kế 330 MW, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy.

Sau 7 tháng khởi công, ngày 31/12/2020, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW.

Dự kiến trước ngày 28/2/2021, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ sẽ đóng điện 114 MW còn lại, song mức giá mua điện cho phần còn lại này sẽ phụ thuộc vào cơ chế mới của Chính phủ.

Khi nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Bình Định nói gì về sai lệch hồ sơ tại dự án điện mặt trời Phù Mỹ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới