0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 04/07/2020 21:36 (GMT+7)

Thiết bị tiết kiệm điện: Liệu có hiệu quả như quảng cáo?

Vào đợt hè nắng nóng cao điểm, tiền điện của mọi gia đình đều tăng cao thì các thiết bị tiết kiệm điện luôn được các gia đình quan tâm. Tuy nhiên liệu thiết bị này có hiệu quả như quảng cáo?

Các biện pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, giảm tải cho mạng lưới điện quốc gia luôn được nhà nước phổ biến, tuyên truyền hàng năm. Năm nay, nắng nóng liên tục kéo dài, cùng với việc giá điện tăng lên 8,36% khiến cho hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng lên đáng kể. Và từ đó, người dân càng mong muốn sử dụng điện tiết kiệm, tìm mọi biện pháp để giảm lượng điện tiêu thụ, giảm lượng tiền điện hàng tháng.

Đây cũng là một cơ hội quá tốt để kinh doanh các thiết bị điện tử, điện lạnh tiết kiệm điện, tích điện,… và cả những vật dụng với tên gọi “Thiết bị tiết kiệm điện” hay “Hộp tiết kiệm điện - Electricity Saving Box”.

thiet bi tiet kiem die

 Thiết bị tiết kiệm điện: Liệu có hiệu quả như quảng cáo?

Theo quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng, người dùng có thể giảm được từ 30 - 50% tiền điện hàng tháng. Giá của thiết bị này được rao bán từ khoảng 90 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy mẫu. Điều đặc biệt là phần lớn các thiết bị tiết kiệm điện năng đều được bán qua đường online (giao/ship), như một cách để tránh rủi ro mà các chủ hàng thực hiện.

Người bán hàng cũng quảng cáo với những lời lẽ có cánh, trong thiết bị tiết kiệm điện năng mà họ cung cấp có 1 tụ bù công suất, giúp tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. 

Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật điện của EVN đã nhiều lần cảnh báo về những loại "thiết bị siêu tiết kiệm điện", "Thẻ tiết kiệm điện thông minh"... Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện. Như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, EVN khuyến cáo người dùng điện không mua và không sử dụng các thiết bị kể trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc của đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận.

Bạn đang đọc bài viết Thiết bị tiết kiệm điện: Liệu có hiệu quả như quảng cáo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới