0915 15 67 76 [email protected]

Đặc sắc chân dung văn học của Tô Hoài

Người tạo ra bước ngoặt của thể tài chân dung văn học sau 1986 là Tô Hoài. Vẫn những “gương mặt” quen thuộc ông đã từng nói đến như Nam Cao, Nguyễn Bính...

Thể tài chân dung văn học và sáng tác của Tô Hoài

 Thể tài chân dung văn học

“Chân dung văn học là thể văn hiện đại. Nó ra đời khi trong giới cầm bút đã có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân” [7, tr.6]. Từ năm 1986, sau Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, đất nước ta đổi mới trên nhiều lĩnh vực xã hội trong đó có văn học. Tâm thế sáng tạo của người viết được “cởi trói”. Nhiều tác giả, nhiều sự kiện của văn học quá khứ được nhìn nhận lại, không đơn giản, một chiều mà khoan dung, thấu tình đạt lý. Thể tài chân dung văn học phát triển cùng với phê bình văn học góp phần tạo nên một diện mạo sinh động cho đời sống văn học. Đây là một thể tài thử thách tài năng sáng tác văn chương. Người viết chân dung văn học phải am hiểu đối tượng, nắm được cái thần của người mình muốn dựng chân dung, phải biết viết thế nào để hình ảnh con người hiện lên sống động. Thể tài chân dung văn học vừa là sáng tác, vừa là một dạng đặc biệt của phê bình văn học. Văn nghệ sĩ là những con người đặc biệt, luôn được công chúng quan tâm. Họ là những người có tài năng, có tâm hồn nhạy cảm, có khả năng nắm bắt nhanh nhạy mọi biểu hiện đa dạng, phong phú của đời sống.

Cuộc đời họ thường nhiều cung bậc phức tạp. Số phận họ cũng có nhiều biến động cùng với sự biến thiên của lịch sử xã hội. Con người, tính cách của họ vì thế cũng cần được văn học phản ánh và mảng hiện thực này có sức hấp dẫn với các ngòi bút dựng chân dung. Sự lên ngôi của thể tài chân dung văn học hiện nay không chỉ thể hiện sự đa dạng, phong phú của bức tranh văn học mà còn là sự khơi sâu vào các giá trị nhân văn, thể hiện con người trong nhiều chiều, trong đó có những miền khuất lấp mà trước đây văn học vẫn thường né tránh. Chính vì vậy, chân dung văn học nở rộ và được sự quan tâm của rất nhiều tờ báo, tạp chí như báo Văn nghệ, tạp chí Nghiên cứu Văn học, tạp chí Sở hữu trí tuệ, tạp chí Nhà văn, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ… Cùng với sự xuất hiện những cây bút viết chân dung văn học được bạn đọc chú ý như Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Bùi Ngọc Tấn, Trần Đăng Khoa, Vân Long, Phan Thị Thanh Nhàn…

Sáng tác chân dung văn học của Tô Hoài

Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài, thể tài chân dung văn học chỉ chiếm một phần nhỏ, song không phải vì thế mà không có ý nghĩa. Bản thân là một nhà văn, nên tác giả có được những kỷ niệm gắn bó, những lần tiếp xúc gần gũi thân mật cùng bè bạn trong giới, trong đó có nhiều người cùng thế hệ. Từ đó, ông thấu hiểu và bày tỏ tình cảm chân thành, cảm thông, ngưỡng mộ của mình với đồng nghiệp. Ở họ là kiến thức uyên thâm, là bút lực dồi dào và cả sự hy sinh vì nghệ thuật cho cuộc sống. Tô Hoài trải nghiệm cùng họ, để rồi thể hiện nghiêm túc và chân thật, công tâm lên trang giấy. Ông là người đầu tiên trong giới văn chương có ý thức rõ ràng khi cầm bút là không thi vị hóa, lãng mạn hóa nhân cách của các văn nghệ sĩ. Ông đặt họ chính giữa cuộc đời còn nhiều phàm tục, nhìn nhận họ như những con người của đời thường, cũng có vinh quang và cay đắng, có niềm vui và nỗi buồn, cũng có nhiều sai lầm, hạn chế. Đặc biệt họ cũng có rất nhiều những “cát bụi” mà cuộc đời ném cho họ, họ buộc phải gánh chịu và cả những “cát bụi” do chính họ tạo ra cho mình và cho những người xung quanh. Chân dung văn học của Tô Hoài luôn chân thực, tỉ mỉ, trong đó tác giả đã dựng lại cả một đời sống văn học của một thời kì lịch sử. Và trên cái nền của đời sống văn học ấy, chúng ta thấy hiện lên chân dung của những nhà văn lớn, những cây bút lão thành đã quá cố hoặc đang sống, trong đó có cả chính chân dung tác giả. Họ - những nhà văn - từ cái nhìn của người trong cuộc là những dòng tâm sự về bản thân, về những điều đã và chưa làm được; là cả một hồi ức về tuổi thơ nhọc nhằn vất vả; là quá trình khám phá, nhận thức về con người và xã hội...

 Nhà văn Tô Hoài

Xuất phát từ quan niệm “Sẽ không thể viết được nếu không có trình độ tư tưởng và hiểu đời một cách sâu xa, nếu không theo nhịp điệu cuộc sống một cách có ý thức và thiết tha, nếu không phát hiện được những cái mới cho cuộc sống” Tô Hoài lần lượt cho ra đời những tập sách giá trị về chân dung văn học: Những gương mặt (NXB Tác phẩm mới, 1986), Chiều chiều (NXB Hội Nhà văn,1997), Cát bụi chân ai (NXB Hội nhà văn, 1992). Có thể kể đến Cỏ dại, Tự truyện nhưng trong dung lượng bài báo, chúng tôi chỉ đề cập và khảo sát ở ba tập sách trên mà thôi.

 Hình tượng giới cầm bút trong các trang hồi kí của Tô Hoài có thể khác xa với những gì người đời tưởng tượng, song không phải vì thế mà mất đi lòng yêu quý trân trọng của bạn đọc. Họ không có cái độc đáo phi thường của những bậc tài hoa tài tử mà dung dị giữa đời thường lẫn với mọi người trong xã hội.

Với cách tiếp cận của người trong cuộc, Tô Hoài đã đem đến cho người đọc cái nhìn gần gũi, chân thực nhất về đội ngũ sáng tác. Ông là những người bắc nhịp cầu, kết nối giữa nhà văn với các thế hệ độc giả. Chân dung văn học của nhà văn viết về giới mình bao giờ cũng sinh động, giàu tư liệu và có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

 Đặc sắc chân dung văn học của Tô Hoài

Rút ngắn khoảng cách tiếp cận đối tượng

Chân dung văn học nằm trong thể loại ký mà ký “là một loại hình nghệ thuật, một hình thức hoạt động thực tiễn-tinh thần có tham vọng can dự trực tiếp vào mọi lĩnh vực của đời sống” [8, tr.368]. Ký nói chung, chân dung văn học nói riêng vừa hấp dẫn bởi “thông tin sự thực”, vừa hướng tới “thông tin thẩm mỹ” để trở thành những tác phẩm văn chương, như trong hồi ký Tô Hoài. Quá khứ sẽ là màn sương phủ bóng mờ lên sự kiện, do đó người viết phải có cách xử lý khoảng cách hợp lý. Đó là kéo sự kiện ở khoảng cách xa về một trường nhìn gần gũi, giống như những gì mới diễn ra. Hơn nữa, xu thế chung của văn xuôi sau 1986 là viết về sự thực một cách chân thực nhất, không tô vẽ, lý tưởng hóa. Sự thể hiện con người, trong đó có giới nhà văn phải đúng với những gì nó có. Muốn chân thực - nói như M.Bakhtin - nhà văn phải rút ngắn khoảng cách tiếp cận, phải đến với đối tượng bằng “khoảng cách tiểu thuyết” chứ không phải “khoảng cách sử thi”. Nguyễn Đăng Mạnh quan niệm: “Đọc chân dung văn học, té ra người tài cũng giống như mọi người bình thường vậy thôi, thậm chí có khi còn tầm thường, nhếch nhác nữa kia. Điều đó, ở người thường thì chả có gì đáng quan tâm, nhưng ở người tài thì cũng trở thành hấp dẫn. Vì nó khiến cho người tài trở nên gần gũi, thân thuộc.” [7, tr.6]. Với xu hướng rút ngắn khoảng cách tiếp cận, Tô Hoài muốn tái hiện các chân dung nhà văn một cách gần gũi, chân thực nhất. Được sống với mọi người bình thường, được sống như một người bình thường, đó cũng là hạnh phúc thiết thực nhất của mỗi nhà văn.

Sau 1986, với Những gương mặt, Tô Hoài đã điều chỉnh cự ly quan sát, chú ý khai thác chất đời thường, những trăn trở nội tâm không dễ nói ra của nhà văn. Trong Cát bụi chân ai và Chiều chiều, ông tiếp tục khai thác các chân dung theo hướng tiếp cận ấy. Sự kiện và con người  qua tác phẩm của Tô Hoài đều được đặt dưới cái nhìn dân chủ, không vị thị hóa. Một cuộc sống đa tạp, đa diện, nhiều sắc thái, và trong giới văn chương cũng đầy những con người phàm tục, những toan tính tầm thường, nhỏ mọn, nhất là khi họ bị đẩy vào tình thế oái oăm. Xuất phát từ quan niệm con người là con người, con người không phải là thánh nhân, Tô Hoài đã “điều chỉnh” lại cách nhìn một thời về những nhà văn lớn như Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính…

Ông đã vén màn sương huyền ảo để cho ta thêm sự thực về họ, những con người đã từng nghèo khó, túng quẫn và nhếch nhác: Một Nguyễn Tuân yêu nghề nhưng đầy khinh bạc và cũng đầy mâu thuẫn. Trong Cát bụi chân ai ta như thấy hiển hiện Nguyễn Tuân ngay giữa rừng cũng chỉ ăn thịt bò nấu lần đầu, đi hát Khâm Thiên cũng chỉ dan díu với giọng ca sang nhất, bị lấy cắp xe đạp và từ đấy không đi xe đạp nữa. Nguyễn Tuân không phải lúc nào cũng ngang tàng, không sợ cấp trên như người ta nghĩ (bằng chứng là ông chỉ lặng yên ngồi nghe trong những cuộc phê bình kiểm điểm thời 1957, 1958). Nhưng cũng con người ấy, với đôi chân sưng tấy, với mấy lạng cao hổ trong người, nhất quyết phải lên cho được thượng nguồn sông Đà để đi thực tế, quyết không bỏ cuộc như nhiều người khác. Và Nguyễn Tuân, trong đêm Noel Hà Nội đang bị dội bom, xông xáo đi dưới làn đạn giặc, đã cho chuẩn úy phi công bị bắn rơi Giôn một bài học: “Bao giờ được về thì nhớ học lại địa lý. Không có hai nước Hoa Kỳ, không có hai nước Việt Nam…” [6; tr.307];

Một Nguyên Hồng với gói thịt chó ăn dở đút trong cặp “Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái góc kín đáo nhưng tôi vẫn ngài ngại.”[6; tr. 98]; Một Xuân Diệu với bàn tay “ma trơi” quờ quạng trong đêm và bị kiểm điểm “Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài liền hai tối… Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp hành, Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ” [6; tr. 200] nhưng Xuân Diệu vẫn một mực khẳng định tình cảm chân thành của mình “Xuân Diệu nức nở nói đấy là tình trai của tôi… tình trai…!” [6; tr. 200]; Một Nguyễn Bính với những mối tình trăng hoa “Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy nhưng rồi nhăng cuội ngay đấy.” [6; tr. 64];

Một Nam Cao hiền lành, thật thà, rất thương người “Nhưng nghĩ cho cùng thì lúc nào con người và tình cảm anh cũng đượm buồn thương và một tấm lòng thành thực, thực như đếm được”[4; tr. 13]... Tất cả ai cũng có những số phận, những bi kịch của riêng mình. “Điều chỉnh” không phải là hạ bệ họ. Nhiều khi sự thực được bộc lộ lại làm chúng ta yêu quý các nhà văn hơn. Chúng ta đã yêu thơ Xuân Diệu giờ đây lại càng đồng cảm hơn với bi kịch riêng tư của ông. Ta hiểu vì sao Xuân Diệu dồn tình yêu đắm đuối lên trang viết. Chúng ta trân trọng hơn một Nguyên Hồng cũng yếu đuối, cô đơn, vừa khóc vừa không chịu “nhận khuyết điểm” vì không biết mình có khuyết điểm gì. Và chúng ta cũng thấm hơn về những tác phẩm đậm đà lòng thương người của Nam Cao…

Có một thời, nhà văn được nhìn nhận như một loại người đặc biệt. Chẳng phải chính các nhà thơ mới đã ví mình như những người khác thường, ngự trong các “tháp ngà nghệ thuật” để nhìn xuống trần gian phàm tục. Văn chương có lúc được xem như một thứ tôn giáo, cao sang hoặc như những vũ khí trong cuộc chiến đấu. Từ 1986 đến nay, với cái nhìn dân chủ, đổi mới, văn học được trả lại đúng chức năng, vai trò của nó. Chân dung văn học cũng nằm trong xu thế ấy. Góp nhặt từng nét tính cách, từng chi tiết chân dung, người đọc được hiểu sâu hơn về giới nhà văn và nghệ sĩ, những người đa tài và cũng đa đoan, những con người nhiều tài nhưng cũng lắm tật, nhiều phẩm chất để ngợi ca nhưng cũng có nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhiều thành công nhưng cũng nhiều thất bại, đau khổ và bất hạnh.

Khắc hoạ bối cảnh, không khí thời đại

Cách mạng tháng Tám thành công, các nhà văn được sống trong niềm vui sướng của đất nước độc lập, song cũng không ít băn khoăn, lo lắng trong việc “nhận đường”, “tìm đường”. Trong vụ “Nhân văn Giai phẩm”, cảm xúc của giới văn nghệ, theo cách nói của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai, “cứ lên xuống theo thời tiết”. Đời sống tinh thần của một số văn nghệ sĩ lúc bấy giờ thật hiu hắt, chua xót. Nhiều câu nói phải dừng lại nửa chừng, tài năng văn học vừa mới nảy mầm đã bị bẻ gãy. Không khí của làng văn buồn thảm. “Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông “Nhân văn cả nước” mà tràn lan đến cả những “Nhân văn phố”, “Nhân văn xóm”, chẳng bị kỉ luật gì, nhiều người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói lông bông, cốc trời chẳng hạn cũng bị quy chụp luôn” [6; tr.82]. Không hiếm khi những cơn giông bão trớ trêu của cuộc đời ập xuống đầu bao nhà văn có tài năng: Đặng Đình Hưng bị khai trừ khỏi Đảng, Văn Cao bị kỉ luật cảnh cáo, chỉ được ở hội Nhạc, không được ở hội Văn và hội Vẽ. Hữu Loan bỏ về quê đi xe thồ, vào núi đập đá. Phùng Quán bị treo bút rồi đi cải tạo…

Những cuộc họp kiểm điểm liên tiếp diễn ra, sinh hoạt thường nhật của Hội Nhà văn là “bới lông tìm vết”. Theo lời Tô Hoài kể lại, người có vấn đề thì lo đối phó còn người canh gác thì phải hết sức “cảnh giác”. Tập kí của Nguyễn Tuân đưa đi in ở Nhà xuất bản Văn học thì lần nào cũng chỉ trả lời “phát hành người ta chưa lấy đủ số lượng”, và “ai cũng bức bối không yên”. Người ta chỉ quan tâm chú ý đến mục tiêu chính trị là tuyên truyền, họ chỉ thấy được chức năng văn học theo nghĩa dung tục. Khi mà cái nhìn méo mó, tiêu chuẩn lệch lạc thì chẳng bao giờ có cái chuẩn. Vì thế “cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết” [6; tr.66]. Câu chuyện về con hổ mà mẹ Nguyên Hồng kể cho ông nghe, đã được ông chép lại và đăng trên trang cuối báo Văn của ông, đã bị người ta nghĩ là “có vấn đề”, họ nghĩ “đời thủa nào mà người ta lại nuôi hổ như nuôi vịt, dễ hơn nuôi vịt. Ông này muốn nói cái gì, nói ai? Xỏ xiên thế nào đây, không hiểu. Không hiểu tức là có vấn đề” [6; tr.86]. Người đọc không thể quên một Nguyên Hồng bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, với nước mắt lưng tròng, thậm chí có lúc khóc hu hu. Sự chân thành, đa cảm của ông được khắc họa rất rõ khi “xoè bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo, nước mắt như trút... tôi thức đêm thức hôm... tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm chỉ nghĩ đến tờ báo... bài này đề tài công nhận... bài về kháng chiến, bài về thống nhất... bài về sửa sai cải cách ruộng đất... tôi không... tôi không... Rồi chẳng mấy lúc Nguyên Hồng lại khóc hu hu” [6; tr.126].

Tô Hoài đã dựng lại chân thực không khí xã hội, không khí văn học lúc bấy giờ. Ông không chỉ nhận ra những oan trái mà họ gánh chịu mà còn thấy được sự dồn nén, đau khổ nội tâm khi họ không dám bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ thật của mình. Khi viết về Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài nhận thấy: “Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác với những lời bình trên báo. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỉ luật, chịu khó viết nhật kí và sưu tầm tài liệu. Nhưng chắc Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng như tôi vừa kể trên” [6; tr.67]. Tô Hoài cũng hiểu được vì sao Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng ấy, bởi vì, “Bây giờ những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại. Thà chôn sâu trong lòng” [6; tr.67]. Lịch sử hiện thân thật cụ thể qua những mảnh đời, những mối quan hệ, những công việc thường nhật. Vụ án “Nhân văn Giai phẩm” đã từng làm chấn động cả một thời kì văn học được ông nhớ lại: “Báo Nhân văn ra được mấy số. Có dư luận báo chống đối. Người thành phố nghe ngóng và tò mò. Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài ba báo trên Nhân văn, mà chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của cả một số giới không phải là những người làm báo Nhân văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy” [6; tr.66].

Việc xây dựng bối cảnh, không khí của thời đại đã tạo nền để khắc họa thành công các chân dung văn học, đồng thời cung cấp những tư liệu chân thực về hoàn cảnh lịch sử, không khí học thuật một thời. Đọc một chân dung nhà văn mà biết thêm tác giả đã phải sống và làm việc đạn bom quân thù hoặc trong những ngày lo toan, khốn khó nhất thì cảm xúc của người đọc chắc chắn càng có thêm những dư ba mới.

Kết cấu theo dòng hồi ức, liên tưởng

Những câu chuyện được kể thường không theo một trình tự mạch lạc mà theo dòng ký ức chập chờn, có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, hôm qua và hôm nay. Dòng hồi tưởng có lúc miên man, tưởng chừng như bất tận. Bao nhiêu người, bao nhiêu sự kiện cứ ùa về, làm sống dậy trong kí ức nhà văn về một mảng thời gian đầy biến cố lịch sử. Cứ thế, qua mỗi trang, người đọc lại thấy chân dung của họ hiện dần lên, từ lối suy tư ứng xử đến thói quen hay phong cách, thậm chí cả những thói tật vụn vặt của họ cũng như niềm khao khát sống và viết... cứ rõ dần, đậm dần. Lối viết chân dung theo dòng hồi tưởng ta thấy đôi chỗ các gương mặt, các chân dung cứ xáo trộn, đan xen với nhau, lẫn với bao nhiêu chuyện đời, chuyện phong tục bộn bề phức tạp và những lời trữ tình ngoại đề. Có khi đang kể chuyện này lại nhảy sang chuyện kia. Dòng hồi tưởng không mạch lạc mà khi đứt khi nối, có lúc chầm chậm, có lúc lại vội vã... Khi dựng các chân dung nhà văn trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài thường dùng cách kể hồi tưởng, nhẩn nha, đan xen, chắp nối này. Đang chuyện Nguyễn Tuân ham xê dịch (lên Tây Bắc, đến Quảng Ninh, ra nước ngoài...) lại nhảy sang chuyện cái máy chữ Baby cổ lỗ, mốc thếch; đang chuyện Đặng Đình Hưng đi bán rượu lậu và uống rượu rắn lại nhảy sang chuyện Nguyễn Tuân ngược đường Phnôm Pênh - Poipet định vượt biên giới sang Thái Lan; chuyện Nguyên Hồng ngồi trong nhà vách viết văn ở Nhã Nam; chuyện Nguyễn Bính làm báo Trăm hoa; đến chuyện Xuân Diệu đứng trên lầu khách sạn Apôlô nhìn sông Mê Công cuồn cuộn phù sa, nắm cổ tay Tô Hoài mà xót xa thời gian. Phải công nhận, văn Tô Hoài, gợi nhiều hơn tả. Những kí ức chập chờn, đan xen, lúc khai thác chỗ này, lúc khai thác chỗ kia với nhiều nhân vật bạn văn đã gợi lên một thời đã mất. Một thời không thể quên.

Không chỉ thế, qua những trang viết của Tô Hoài, ta thấy một con người trung thực với chính mình, một tấm lòng thổn thức cùng cảnh đời cơ cực, những số phận oan nghiệt đắng cay. Ông không phải không biết cam chịu, nhưng ông cũng dũng cảm khi hoàn cảnh cho phép, mạnh bạo công bố tất cả sự thật, trong đó có những sự thật cay đắng của giới nghệ sĩ thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, thời kỳ Nhân văn Giai phẩm. Thái độ của ông là sự điềm tĩnh, tỉnh táo. Công bố sự thật không phải cho bõ tức mà là để nói lại, minh oan, cảm thông, để rút ra bài học cần thiết cho những thế hệ sau. Hoàn toàn nhất quán trong cách viết, không ngại ngần phanh phui ngay cả chính bản thân. Ông viết cả những câu nói của bạn văn khi nói về ông, như nhận xét của Như Phong: “Thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt”; Nguyễn Tuân cũng từng nhận xét: “Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành, không hiền lành của mày”; Hay bị Nguyên Hồng chửi thẳng vào mặt: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn!...” [6; tr.491]. Và Tô Hoài cũng nhìn nhận về mình: “Có thể thế. Tôi sinh ra nơi thành phố và làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lí không khạc ra lửa như trời đất làng Đại Hoàng của Nam Cao, ở quê tôi túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khóe đời ấy” [6; tr.154]. Không hư cấu, chẳng cần phóng đại, những tư liệu sống của Tô Hoài giúp ta thấy được chân dung các bạn văn của ông và cả bản thân con người ông – những con người chân thật, sống hết mình, thuận theo tự nhiên, luôn biết nhìn lại mình.

Tô Hoài thường dựng chân dung văn học gắn với những kỉ niệm của chính tác giả. Những kỉ niệm ấy, hầu hết Tô Hoài đã được chứng kiến và được “mắt thấy tai nghe”, hay trực tiếp là người cùng tham dự cho nên nó hiện rất sâu đậm, rõ ràng trong kí ức của nhà văn. Là chân dung được dựng theo dòng hồi tưởng song chân dung của Tô Hoài khác chân dung của các nhà văn khác ở chỗ tác giả không kể về toàn bộ cuộc đời sự nghiệp sáng tác của họ theo một trật tự thời gian nhất định mà chỉ kể ở từng đoạn, từng quãng đời mà nhà văn biết, thậm chí biết rất kĩ. Quả là bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người lúc chầm chậm hiện dần lên, qua từng trang, mà lối suy tư cách ứng xử, thói tật vụn vặt cùng niềm khát khao sống và viết ở họ cứ rõ dần, đậm dần; lúc lại vùn vụt chạy qua như một đoạn phim tư liệu quay nhanh. Có một điều đáng chú ý là trong chân dung văn học của Tô Hoài đôi khi để chất hồi kí về đời như muốn lấn át chân dung văn học, song nhờ lối văn biến hoá, chi tiết phong phú nên người đọc luôn cảm thấy hấp dẫn.                 

Kết luận

Người tạo ra bước ngoặt của thể tài chân dung văn học sau 1986 là Tô Hoài. Vẫn những “gương mặt” quen thuộc ông đã từng nói đến như Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân. Ngoài ra, còn một số chân dung mới như Nguyễn Huy Tưởng, Trúc Đường, Như Phong, Trần Đăng… Các nhà văn như từ cuộc đời trần tục bước thẳng vào trang sách. Nét hấp dẫn nhất trong chân dung văn học của Tô Hoài chính là sự thực đôi khi “trần trụi” như một bức hoạ chì, không hề tô màu, tỉa tót. Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên, lối viết hồi kí kết hợp bàn về nghề nghiệp và dựng chân dung đã khiến những gương mặt văn nhân tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi. Đằng sau các chân dung, người đọc còn dễ dàng hình dung lại một cách chân xác không khí lịch sử - xã hội của mỗi thời. Và dường như, trong mỗi một thông điệp mà Tô Hoài trao đến cho người đọc, lẩn quất một nụ cười hóm hỉnh, một cái nheo mắt của chính ông: cái thời ấy, cái hồi ấy, nó là thế, cả cái hay lẫn cái dở, cả cái cao cả lẫn cái nhem nhuốc thường ngày. Bạn văn của Tô Hoài, họ đã đi vào tác phẩm của ông một cách tự nhiên, theo những cách thức riêng. Có người được “chụp” riêng một bức chân dung, có người được vẽ đậm nét, có người lại chỉ hiện lên thấp thoáng trong tác phẩm. Nhưng tất cả đều chân thật, sống động, tiếp xúc một lần là không thể quên.

Chân dung văn học của Tô Hoài như một dòng chảy trên con đường mênh mang cát bụi. Những dòng chảy ấy có mạch ngầm, cứ rỉ rả từng chút, cứ từ tốn, mà nhẩn nha, nhấm nháp cuộc đời, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của người trải nghiệm. Và chính thế, độc giả luôn được làm mới xúc cảm, góp nhặt tư liệu với vô vàn điều thú vị bất ngờ.

Theo SHTT

Bạn đang đọc bài viết Đặc sắc chân dung văn học của Tô Hoài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới