0915 15 67 76 [email protected]

VNPT không còn mặn mà với Telcom

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ bán đấu giá để thoái 49% vốn điều lệ của Telcom. VNPT đưa ra mức giá khởi điểm 21.801 đồng/cổ phần.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, ngày 4/9, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ bán đấu giá để thoái 2,45 triệu cổ phần vốn sở hữu tại Công ty cổ phần Phát triển Công trình Viễn thông (Telcom), tương đương 49% vốn điều lệ của Telcom. VNPT đưa ra mức giá khởi điểm 21.801 đồng/cổ phần.


Tiền thân của Telcom là Công ty Công trình Bưu điện trực thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập năm 1954. Năm 2006, Telcom chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Sang đến năm 2017, cổ phiếu của Telcom đăng ký giao dịch trên UpCoM với mã chứng khoán TEL. Tuy nhiên tại phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu TEL có giá niêm yết 9.000 đồng/cổ phiếu.

ds


VNPT không còn mặn mà với Telcom


Hiện, Telcom kinh doanh chính trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình viễn thông và tư vấn thiết kế các công trình viễn thông. Bên cạnh đó, công ty còn hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, như cho thuê văn phòng làm việc, sân tennis, kinh doanh kho bãi.

Đáng nói, nhiều năm gần đây hoạt động kinh doanh của công ty không đạt được kết quả cao do thị trường bão hòa làm suy giảm đầu tư trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Do đó, doanh thu thuần của công ty năm 2018 chỉ đạt 39 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 11 tỷ và năm 2019 sau nhiều nỗ lực kiểm soát chi phí, công ty thoát lỗ với lợi nhuận sau thế đạt 1 tỷ đồng. Đến 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Telcom lại âm 751 triệu đồng.

Telcom hiện đang quản lý và sử dụng 3 khu đất có diện tích 6.776,3 m2 tại Hà Nội, tất cả là đất thuê trả tiền thuê hàng năm.

Ngoài việc kinh doanh sa sút, Báo cáo tài chính của Công ty cũng có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Kreston đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ liên quan đến những vấn đề tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Telcom.

Theo báo cáo kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2015, Công ty chưa lập bảng phân tích tuổi nợ của khoản nợ phải thu, chưa trích lập dự phòng công nợ khó đòi theo quy định. Đồng thời, Công ty vẫn ghi nhận 507 triệu đồng giá trị nguyên vật liệu không còn tồn tại và 11,6 tỷ đồng giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của công trình phát sinh từ nhiều năm trước hoặc của công trình đã nghiệm thu, thanh lý trên sổ sách. Trong bảng cân đối kế toán thời điểm 30/9/2016, Công ty chưa trích lập dự phòng cũng như chưa có hướng xử lý cho các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho tại thời điểm 30/9/2016 là 120 tỷ đồng, chiếm 97% tổng tài sản ngắn hạn và 90% tổng tài sản. Trong khi đó, lượng tiền mặt của Công ty chỉ vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng.

Trong năm 2015, Công ty phát sinh khoản phải trả tiền thuê đất 3,6 tỷ đồng ở Định Công và Thổ Quan (Hà Nội). Tuy nhiên, Công ty chưa hạch toán số tiền này vào chi phí trong năm. Nếu phần chi phí này được tính vào kết quả hoạt động kinh doanh thì lãi năm 2015 của Công ty sẽ chuyển sang lỗ.

Trước đó, tại thời điểm 31/12/2014, kiểm toán viên bị hạn chế phạm vi kiểm toán trong việc thu thập bằng chứng xác minh cho các số liệu công nợ phải thu là gần 86 tỷ đồng, và công nợ phải trả 40 tỷ đồng. Do đó kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm 2014. Tại thời điểm 31/12/2015, số dư công nợ phải thu và công nợ phải trả cũng bị ảnh hưởng do số liệu đầu kỳ chuyển sang. Vì vậy, kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính cho năm tài khóa 2015.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết VNPT không còn mặn mà với Telcom. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới